Kinh Phật Thuyết A Di Đà giảng thuật – phần 06

Tác giả: Thích Huyền Châu

KINH PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ GIẢNG THUẬT, PHẦN 06 – THÍCH HUYỀN CHÂU CHỦ GING

11- Kiều Phạm Ba Đề

Kiều Phạm Ba Đề nghĩa là Bò Nhơi. Vì trong đời quá khứ xa xưa, Tôn giả khinh chê một vị tỳ kheo đã chứng quả A la hán già rụng răng nhai cơm nhơi như trâu, cho nên phải mắc đọa làm thân trâu 500 kiếp. Đến đời này tập khí vẫn còn, sau khi ăn cơm ngài thường nhai đi nhai lại như trâu nhai cỏ, cho nên ngài còn có biệt danh là “ngưu tướng tỷ kheo”.

Ngài có phong cách điềm đạm, khoan hòa độ lượng, không bao giờ tranh cãi với ai. Đức Thế Tôn thấy ngài thường bị diễu cợt mà buồn khổ và phần vì e ngại người đời sinh tâm nhạo báng mắc phải tội báo, nên huấn thị ngài đến vườn Thi Lợi Sa ở cung trời Đao Lợi thiền định và khất thực trên đó. Sau khi đức Phật nhập niết bàn, lúc ấy tôn giả A Nan chưa chứng quả A la hán, tôn giả Ma ha Ca Diếp có sai người dùng thần thông đến thiên cung triệu ngài về nhân gian cho đủ số 500 vị A la hán để kiết tập kinh điển. Nghe tin đức Phật và Trưởng lão Xá Lợi Phất đã nhập diệt, ngài cũng nhập diệt theo Phật luôn.

Cuộc đời Tôn giả Kiều Phạm Ba Đề tuy đơn sơ nhưng cho chúng ta rất nhiều bài học. Nhất là tính hạnh ôn hòa độ lượng của ngài. Và nhất định, làm người con Phật chúng ta chớ mắc phải tội khinh chê, nói lỗi tứ chúng.

12- Tân Đầu Lô Phả La Đọa

Tôn giả Tân Đầu Lô Phả La Đọa gọi tắt là Tân Đầu Lô xuất thân từ dòng Bà La Môn, là một bậc lợi căn đại thần danh tiếng của vua Ưu Điền. Ngài ý thức cuộc đời vô thường, giả huyễn nên xuất gia theo Phật rồi vào rừng sâu thiền định. Sau khi chứng thánh quả, ngài cỡi hươu về triều khuyến hóa nhà vua tu tập, nhân đó được tặng tôn hiệu La hán Cỡi Hươu.

Một hôm, ngài cùng Tôn giả Mục Kiền Liên ngồi bên bờ sông nghe dân chúng đồn đại có trưởng giả Thọ Đề Già treo chiếc bình bát được làm bằng gỗ quý chiên đàn ở trên ngọn sào cao và ra giá, nếu ai có thể dùng thần thông lên đó lấy xuống được thì bình bát quý là của người ấy.

Ngoại đạo nhiều người đến lấy nhưng không ai đủ đạo lực đành đứng nhìn. Khi ấy, ngài thưa với Tôn giả Mục Kiền Liên:

– Này hiền giả, ngài là bậc đại đệ tử thần thông đệ nhất của đức Thế Tôn, sao không đến lấy bình bát để dùng?

Ngài Mục Kiền Liên đáp:

– Thi triển thần thông để lấy một cái bình bát thật chẳng có ý nghĩa gì cao cả, tôi không thích vậy.

Tôn giả thưa:

– Thưa hiền giả, biết vậy, nhưng lấy được bình bát cũng là chứng minh Phật pháp vi diệu hơn ngoại đạo chứ?

Thấy Tân Đầu Lô muốn đi, ngài Mục Kiền Liên trả lời:

– Ông cũng là bậc A la hán, nếu thích như thế thì một mình ông đi đi.

Liền khi đó Tôn giả Tân Đầu Lô vận thần thông, đem theo cả tảng đá lớn mình đang ngồi, bay lượn quanh thành mấy vòng làm cho dân chúng sợ đá rơi xuống, dẫm đạp lên nhau chạy trốn, rồi sau đó mới đến đầu sào lấy chiếc bình bát và từ từ hạ xuống. Dân chúng cả vạn người thấy vậy vỗ tay reo hò.

Sau khi về đến tinh xá, đức Phật hay tin dùng vô số phương tiện quở trách rằng:

– Trước mặt thiên hạ mà ông biểu diễn thần thông, không những chẳng ích lợi gì cho việc hoằng dương Phật pháp, trái lại dễ làm mọi người ngộ nhận cho rằng tu học Phật pháp cũng chỉ để biểu diễn thần thông mà thôi.

Nhân đó, đức Thế Tôn dạy Tôn giả Tân Đầu Lô không được nhập niết bàn, mà phải ở lại thế gian làm phước điền cho chúng sinh gieo trồng thiện căn.

Vào đời Ngũ Đại, vua nước Ngô Việt là Tiền Lưu rất thâm tín Phật pháp. Có lần nhà vua tổ chức đàn tràng trai tăng cúng dường thì bỗng nhiên xuất hiện một vị Hòa thượng lạ, tướng mạo gầy ốm, lông mày vừa trắng vừa dài, từ hướng núi phía Tây bay qua cửa sổ, đến ngồi trên chỗ khách quý ăn uống vui vẻ trước sự ngạc nhiên của mọi người. Lát sau, ngài đứng dậy nói:

– Cúng dường Tam bảo công đức vô lượng! Ta là Tân Đầu Lô. Ta đi đây!

Đến đời vua A Dục thỉnh ba mươi vạn Hòa thượng đến hoàng cung thọ trai. Chư vị hòa thượng chí thành cung thỉnh Tôn giả Tân Đầu Lô. Chốc lát quả nhiên Tân Đầu Lô từ trên trời bay xuống.

Công nguyên năm 490, Lương Võ Ðế bị một cơn bạo bệnh. Tối đến, vua nằm mộng thấy một vị Hòa thượng có đôi mắt sáng quắc tự xưng là Tân Đầu Lô nói rằng:

– Bệnh của ông là do ham thích hưởng thụ phú quý, không đoái hoài gì đến sự đói khát cơ hàn khốn khổ của dân chúng. Do đó, muốn khỏi bệnh phải khai mở quốc khố, cứu giúp muôn dân nghèo khổ, cúng dường mười phương Tăng chúng, đồng thời phải tự mình gieo trồng thiện căn công đức. Được như thế thì sẽ liền khỏi bịnh.

Tôn giả Tân Đầu Lô Phả La Đọa là bậc thường trụ ứng cúng trong cõi trời và người. Cho nên ngày nay nếu chúng ta thiết trai cúng dường mà thành tâm nguyện thỉnh thì ngài sẽ thị hiện tiếp nhận.

13- Ca Lưu Đà Di

Tôn giả Ca Lưu Đà Di có màu da đen nhánh và phát sáng nên ngài còn có tên là Hắc tôn giả. Thường ngày ngài cùng đại chúng đi khất thực nhưng vì da đen xấu xí, dân chúng không hoan hỷ cúng dường. Tối đến bụng đói, ngài ôm bình đi khất thực. Hôm ấy trời chuyển mưa tối đen như mực, trong ánh chớp người đàn bà nhà ấy thấy ngài tưởng là yêu quái, hoảng sợ đến nỗi sẩy thai. Sau khi biết ngài là đệ tử Phật, bà mắng chưởi thậm tệ. Đức Phật biết chuyện này bèn chế giới cấm các tỳ kheo không được đi khất thực sau giờ ngọ.

Theo các kinh luật thì ngài có nhiều tật xấu, nhưng không hiểu do nhân duyên gì ngài cũng hóa độ dân chúng quy y theo Phật con số lên đến cả ngàn người.

14- Ma ha Kiếp Tân Na

Vì người mẹ cầu sao mà sinh ra ngài, nên Ma ha Kiếp Tân Na được gọi là Đại Phòng Tú. Chúng ta chỉ biết vị tôn giả này rất giỏi về thiên văn học.

15- Bạc Câu La

Bạc Câu La là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Thiện Dung. Ngài là bậc có tướng mạo trang nghiêm, sống đến 160 tuổi nên người đời gọi là “trường thọ đệ nhất”.

Các vị có biết tại sao ngài sống lâu đến thế không? Chuyện thế này: Vào kiếp quá khứ ở thời đức Phật Tỳ Bà Thi, ngài dùng A lê ca (trái này chỉ có ở Ấn Độ, những nơi khác không có) cúng dường một vị Bích Chi Phật, cho nên trải qua 91 kiếp ngài có thọ mạng lâu dài. Ngài lại trì giới không giết hại chúng sinh nên được năm thứ quả báo bất tử. Điều này kể ra rất thần kỳ. Đứa trẻ nít nào khi mới sinh ra cũng khóc oe oe, nhưng ngài thì ngồi kiết già cười hề hề. Mẹ kế của ngài cho đó là yêu quái nên đem bỏ vào trong lò lửa nhưng ngài vẫn ngồi cười hề hề. Bà hoảng sợ tin đó là yêu tà thật sự, nên đem bỏ vào nồi nước sôi rồi đậy nắp lại. Một lát sau mở nắp ra vẫn thấy ngài ngồi trong đó cười hề hề. Bà cả giận đem ném xuống biển, ngài lại ngồi trên mặt biển cười hề hề. Khi đó có con cá lớn nuốt chửng ngài vào trong bụng. Sau đó nó bị ngư ông bắt được. Ngư ông dùng dao mổ bụng cá ra, đứa trẻ ấy vẫn ngồi cười hề hề.

Đức Phật dạy, người giữ giới bất sát sẽ được 5 thứ quả báo:

1/ Lửa đốt không chết

2/ Nước nấu không chết

3/ Nước dìm không chết

4/ Cá nuốt không chết

5/ Dao cắt không chết

16- A Nâu Lâu Đà

Tôn giả A Nâu Lâu Đà xuất thân từ dòng họ Thích, là em họ của Phật.

Vào thời đức Phật Phất Sa, thế giới đói kém, có một vị Bích Chi Phật tu hành khổ hạnh, cứ nửa tháng đi khất thực và nửa tháng thì ngồi thiền định. Nếu nửa tháng khất thực mà không có ai cúng vật gì thì kể như tháng đó nhịn đói. Hôm ấy, tiền thân của tôn giả A Nâu Lâu Đà là một nông dân nghèo đang cày ruộng, dùng hạt cỏ làm thức ăn trưa. Nông dân thấy vị Bích Chi Phật khất thực mà không có ai cúng thí nên thưa hỏi:

– Thánh giả có hóa duyên không? Ngài có dùng hạt cỏ không? Nếu ngài ưng nhận con sẽ thành tâm dâng cúng.

Vị Bích Chi Phật hoan hỷ thọ trai xong, bay lên hư không hiện 18 thứ thần biến rồi đi. Người nông dân nghèo lại tiếp tục cày ruộng, bỗng đâu có con thỏ bá lên vai, gỡ hoài không xuống. Ông bỏ về nhà, nhờ vợ bắt xuống hộ thì ra đó là con thỏ vàng. Hai vợ chồng bàn nhau rồi bẻ chân thỏ vàng đem bán đổi lấy nhiều tiền và thực phẩm. Khi về đến nhà xem lại thì thỏ vàng lại mọc ra chân mới. Từ đó trải qua 91 kiếp, người nông dân luôn được giàu có sung túc. Ấy là do phước lực cúng dường mà chiêu cảm ra. Ở đời này, ông lại sinh vào dòng hoàng thất giàu sang. Cho nên nghĩa của tên ngài là Vô Bần, cũng có chỗ gọi là Như Ý.

Phước đức như thế, nhưng không hiểu vì nhân duyên gì mỗi khi vào giảng đường nghe Phật thuyết pháp, dù đã hết sức cố gắng nhưng ngài vẫn thường ngủ gục. Nhiều lần bị Phật quở trách. Nhân đó Tôn giả A Nâu Lâu Đà quỳ lạy Phật sám hối và phát nguyện rằng: “Con nguyện suốt đời không ngủ nữa”. Do vậy đôi mắt của ngài từ từ sưng húp. Đức Phật thấy thế khuyên lơn là không nên cực đoan như thế, nhưng ngài vẫn không bỏ nguyện của mình và vì thế đôi mắt của ngài trở nên mù lòa.

Một hôm Tôn giả tìm cách khâu chiếc y bị rách nhưng không biết mượn ai xâu chỉ vào kim. Đức Phật bảo: “Ðể Như Lai xâu giúp cho”. Tình thương của Phật thật bao la, khiến ngài cảm động rơi nước mắt. Nhân đó đức Thế Tôn dạy ngài phép quán thiên nhãn. Thiền quán siêng năng, chẳng bao lâu ngài chứng Thiên nhãn thông. Đôi mắt thịt bị mù, giờ đây ngài được đôi mắt thiên nhãn có thể nhìn thấu các cõi trời.

Sau khi chứng Thiên nhãn thông, Tôn giả đến trước Phật tỏ lòng biết ơn và nhân đó, đức Phật dạy cho ngài thêm kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân. Do đó ngài được tôn xưng bậc đại đệ tử thiên nhãn đệ nhất của Phật.

Những vị đại đệ tử như thế

Tức là ngoài 16 vị đại đệ tử thuộc hàng Thanh văn vừa kể trên còn có các vị đệ tử lớn như vậy nhiều nữa cũng đang hiện diện nơi tinh xá Kỳ Viên. Họ đang lắng tâm thanh tịnh nghe đức Phật giới thiệu cảnh giới tuyệt hảo ở thế giới Tây phương Cực Lạc. Đây chính là lời thuật lại của Tôn giả A Nan.

Kinh văn:

Tinh chư Bồ tát Ma ha tát: Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, A Dật Đa Bồ tát, Càn Đà Ha Đề Bồ tát, Thường Tinh Tấn Bồ tát, dữ như thị đẳng chư đại Bồ tát, cập Thích Đề Hoàn Nhơn đẳng, vô lượng chư thiên đại chúng câu.

Dịch nghĩa:

Cùng các vị Bồ tát Ma ha tát: Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, A Dật Đa Bồ tát, Càn Đà Ha Đề Bồ tát, Thường Tinh Tấn Bồ tát, và các vị Bồ tát lớn nhiều như thế nữa, cùng với Thích Đề Hoàn Nhơn v.v… vô lượng chư thiên đại chúng đều đến dự hội.

Giảng:

Cùng các vị Bồ tát Ma ha tát

Bồ tát nghĩa là gì? Nói một cách đầy đủ là “Bồ đề tát đỏa”, nghĩa là “Giác hữu tình”. Hay nói cách khác, Bồ tát là một vị giác ngộ trong hàng chúng sinh, có thể mỗi ngày tự mình giác ngộ và làm cho chúng sinh cùng giác ngộ như mình. Bồ tát thường hành pháp Lục độ vạn hạnh Ba la mật, xem đó là phương châm sống lợi mình lợi người. Chúng ta với Bồ tát khác nhau ở điểm nào? Đó là Bồ tát thấy việc biết việc nên thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian, còn chúng ta thấy việc mê việc nên bị đọa làm chúng hữu tình. Trong hàng Bồ tát thì có Bồ tát sơ phát tâm, Bồ tát bát địa, Bồ tát thập địa, v.v…

Một vị Bồ tát thế nào gọi là Ma ha tát? Ma ha tát có 7 nghĩa:

1/ Bậc đại căn: vị ấy đã gieo nhân và có duyên nhiều đời với vô lượng chư Phật.

2/ Bậc đại trí: bậc có trí huệ lớn chính là bậc biết phát tâm bồ đề. Tâm bồ đề chính là tâm hướng đến cảnh giới giác ngộ của một vị Phật. Muốn thành tựu được điều này thì phải phát nguyện độ tận chúng sinh trong tinh thần vô chấp như Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng v.v…

3/ Bậc thâm tín pháp lớn: chúng ta biết Phật pháp như biển cả bao la, sâu thẳm vô cùng. Chỉ những ai có đủ lòng tin mới vào được và những ai có đủ trí tuệ mới vượt qua được. Pháp lớn ở đây chính là cảnh giới chân không diệu hữu hay còn gọi là tự tánh Di Đà châu biến pháp giới.

4/ Bậc hiểu được lý lớn: hiểu rõ bổn lai tức Phật. Đức Phật từng tuyên bố Ngài là Phật đã thành còn chúng ta là Phật sẽ thành. Thế giới Cực Lạc chính là chân tâm của chúng sinh. Thấu rõ chân tâm, tức đang sống trong thế giới Cực Lạc.

5/ Bậc đại tu hành: là vị không dừng lại ở hóa thành, không an trú trong niết bàn tịch tịnh của quả vị thanh văn A La Hán, mà phát nguyện rộng độ chúng sinh bằng pháp Lục độ của Bồ tát.

6/ Bậc trải qua nhiều đại kiếp: tức là vị ấy đã trải qua nhiều a tăng kỳ kiếp tu hành. Tính theo chu kỳ một lần sinh diệt của thế giới gọi là một tiểu kiếp, và 80 tiểu kiếp mới gọi là một đại kiếp. Như thế, bậc Ma ha tát phải là người đã tu hành trải qua vô số kiếp, thời gian lâu xa vô cùng.

7/ Bậc cầu quả lớn: quả lớn ở đây chính là quả vị Chánh Đẳng Giác, hay còn gọi là quả vị Phật.

Cùng các vị Bồ tát Ma ha tát, tức là pháp hội Phật thuyết kinh Di Đà có vô số đại đệ tử thuộc hàng tri thức trong chúng tăng và các vị đại Bồ tát tham dự. Những vị ấy là ai? Đại diện trong hàng Bồ tát có:

Văn Thù Sư Lợi pháp vương tử

“Pháp vương tử” nghĩa là người con chơn chánh trong giáo pháp của Phật. Cũng như một người quy y Phật thì gọi là Phật tử, tức con của Phật.

Theo kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn thì Bồ tát Văn Thù Sư Lợi xuất thân trong một gia đình Bà la môn ở làng Đa La, nước Xá Vệ. Bồ tát lúc mới sinh ra thì ngôi nhà hóa thành hoa sen và có 10 điều cát tường xuất hiện:

1/ Ánh sáng đầy nhà: đây là biểu thị cho trí tuệ.

2/ Cam lộ đầy nhà: thực phẩm cõi trời khiến người ta no ấm, trong sạch mát mẻ. Loài quỷ khi được một giọt cam lộ rơi trên đầu, lập tức các tội nghiệp liền được tiêu trừ.

3/ Đất trồi lên 7 thứ báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não.

4/ Thần mở kho tàng ẩn giấu: Chuyển Luân Thánh Vương có vị thần tên là Tạng Thần Bảo. Khi Bồ tát ra đời vị thần ấy mở kho ẩn giấu nên báu vật từ dưới đất vọt lên.

5/ Gà sinh trứng phụng: Chim phụng (phượng) là loài chim báo hiệu cát tường, khác với chim cú báo hiệu điềm xấu.

6/ Heo sinh con có vảy rồng: điều kỳ lạ khó tin, nhưng đây cũng là điềm lành.

7/ Ngựa sinh kỳ lân: Kỳ lân xuất hiện thời vua Nghiêu – Thuấn, đây là báo hiệu thời đại thái bình thịnh trị, nhân dân an cư lạc nghiệp.

8/ Trâu sanh bạch thạch: Bạch thạch là loài thú có hình dáng ngựa, móng trâu, sừng trâu. Đây cũng là điềm lành.

9/ Lúa biến thành vàng.

10/ Voi đủ sáu ngà.

Ngài Văn Thù Sư Lợi vốn là một vị cổ Phật thị hiện làm Bồ tát, xuất gia trong giáo pháp của đức Phật Thích Ca, làm vị Bồ tát thượng thủ trợ duyên cho Phật hoằng hóa độ sinh. Vì vậy, tên của ngài còn có nghĩa là Diệu Đức, Diệu Thủ và Diệu Cát Tường. Tức là vị Bồ tát có đầy đủ mọi công đức vi diệu, tốt lành chẳng thể nghĩ bàn và đứng đầu trong hàng Bồ tát. Cho nên, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi chính là biểu thị cho trí tuệ giải thoát.

Còn chúng ta vì sao chưa giải thoát? Là bởi vì chúng ta còn bị vô minh che lấp trí tuệ, làm cơ sở cho phiền não dấy lên, tạo nghiệp và trôi lăn trong sinh tử. Bậc Bồ tát thì có đủ trí tuệ, đoạn trừ vô minh, phiền não cũng theo đó diệt mất nên an vui giải thoát hiện ra.

A Dật Đa Bồ tát

A Dật Đa là tên gọi khác của Bồ tát Di Lặc. Di Lặc nghĩa là Vô Năng Thắng, cũng gọi là Từ Thị. Vì chuyên tu Từ tâm tam muội nên khi bị bất cứ ai mắng chưởi, nhục mạ, thậm chí đánh đập, ngài cũng đều đáp trả bằng lòng từ bi. Ngài thương chúng sinh như cha thương con, khi nhìn thấy đứa con bất hiếu buông lời hủy nhục cha của nó thì thật đáng thương và đáng được cứu giúp.

Theo dòng lịch sử Phật giáo thì Bồ tát Di Lặc có lần thị hiện làm vị Bố Đại Hòa thượng, với thân hình tròn mập, vai mang túi vải, miệng luôn cười nói vui vẻ. Túi vải của ngài như là túi càn khôn, bao nhiêu điều thần biến diệu dụng đều có đủ trong đó. Lúc sinh tiền người đương thời không biết ngài là ai, mãi đến khi nhập diệt người ta mới biết ngài chính là hóa thân của Bồ tát Di Lặc.

Theo lời Phật dạy thì Bồ tát Di Lặc hiện đang thuyết pháp tại cung trời Đâu Suất. Trong tương lai, sau khi giáo pháp của đức Phật Thích Ca bị hủy diệt hết, rồi qua thời gian lâu xa đến lúc con người có tuổi thọ 8 vạn năm thì ngài thị hiện đản sinh và thành đạo nhằm ngày 1 tháng Giêng ở hội Long Hoa. Cho nên, ngày đầu năm chúng ta thường tặng bạn bè với lời chúc: “Mừng Xuân Di Lặc”, tức là chúc mừng ngày Xuân hoan hỷ, gieo duyên với đức Di Lặc ở hội Long Hoa vậy.

Càn Đà Ha Đề Bồ tát

Tiếng Phạn gọi là Càn Đà Ha Đề, Trung Hoa dịch là Bất Hưu Tức, nghĩa là vị Bồ tát tu tập rất tinh tấn, đã trải qua bao nhiêu kiếp số vẫn không ngừng nghỉ tu tập.

Thường Tinh Tấn Bồ tát

Đây là vị đại Bồ tát thường siêng năng tu tập hạnh tự lợi và lợi tha, giáo hóa chúng sinh không bao giờ chán mỏi.

Thật ra tên gọi của hai vị Càn Đà Ha Đề Bồ tát và Thường Tinh Tấn Bồ tát này có nghĩa giống nhau. Một vị không ngừng nghỉ tu tập, một vị luôn siêng năng tinh tấn. Hai vị Bồ tát này thường làm duyên hộ pháp không ngừng nghỉ để cứu độ chúng sinh. Giống như hai người bạn đồng tu, luôn siêng năng sách tấn cho nhau tu tập nhanh thành đạo quả.

Và các vị Bồ tát lớn nhiều như thế nữa, cùng với Thích Đề Hoàn Nhơn v.v… vô lượng chư thiên đại chúng đều đến dự hội.

Chúng ta biết thế giới Phật giáo không chỉ có con người thôi, mà trong ấy chúng sinh ở các cảnh giới như: hộ pháp, chư thiên, thần linh, ma quỷ, v.v… mỗi khi nghe Phật thuyết pháp họ đều đến tham dự.

Ở đây, Thích Đề Hoàn Nhơn là vua của cõi trời Tam Thập Tam và chính là vị vua trời có nhiều quyền năng đại diện cho hội chúng ở các cõi trời đến tham dự pháp hội giảng Kinh A Di Đà. Tiền thân Thích Đề Hoàn Nhơn là cô gái sống vào thời giáo pháp của Phật Ca Diếp. Một hôm cô gái thấy ngôi tháp và tượng Phật Ca Diếp bị hư hoại, bèn phát tâm kêu gọi thêm 32 cô gái nữa cùng nhau phát tâm tu sửa tượng tháp trang nghiêm. Nhờ công đức ấy, cô gái sau khi mạng chung sinh lên cõi trời làm Thích Đề Hoàn Nhơn, vua nước Thiện Kiến, là nước trung tâm ở cõi Tam Thập Tam thiên. Còn 32 cô gái kia thì cũng làm vua ở những nước xung quanh. Ngày xưa, sau khi sinh đức Phật, vì thành tựu phước đức vô lượng nên hoàng hậu Ma Da thoát sinh lên cung trời Đao Lợi. Cung trời này chính là trung tâm nước Thiện Kiến của vua trời Thích Đề Hoàn Nhơn.

Từ đầu bản kinh đến đây, chúng ta đã tìm hiểu được bối cảnh trang nghiêm, trầm hùng tại tinh xá Kỳ Hoàn, vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Những bậc tri thức chúng tăng, chư vị Bồ tát Ma ha tát, Thích Đề Hoàn Nhơn và vô lượng chư thiên đại chúng đều tề tựu đông đủ, pháp thể trang nghiêm lắng lòng nghe đức Phật giới thiệu về cảnh giới Tây phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.

Kinh văn:

Nhĩ thời Phật cáo Trưởng lão Xá Lợi Phất: Tùng thị Tây phương quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực Lạc, kỳ độ hữu Phật hiệu A Di Đà, kim hiện tại thuyết pháp.

Dịch nghĩa:

Bấy giờ Phật bảo Trưởng lão Xá Lợi Phất: Từ đây qua phương Tây hơn 10 vạn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc, trong thế giới ấy có đức Phật hiệu A Di Đà hiện đang thuyết pháp.

Giảng:

Khi đại chúng vân tập đông đủ như vậy, bấy giờ Phật bảo Trưởng lão Xá Lợi Phất: Từ đây tức là tại tinh xá Kỳ Hoàn này nhìn qua phương Tây hơn 10 vạn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc.

Nếu y cứ theo câu kinh này thì rõ ràng đức Phật khẳng định có một thế giới Cực Lạc ở phương Tây, cách xa thế giới Ta Bà của chúng ta đến hơn 10 vạn ức cõi Phật. Đây chính là khái niệm thế giới theo sự định vị của phương hướng nhất định. Nhưng nếu xét theo không gian đa chiều, khi trái đất xoay tròn thì hướng Tây ở hướng nào? Lúc bấy giờ hướng Tây là mọi phương hướng. Cảnh giới Cực Lạc lúc bấy giờ cũng nên hiểu theo nghĩa tự tánh Di Đà châu biến pháp giới. Tức là nơi nào cũng có Phật Di Đà và ở đâu cũng là thế giới Cực Lạc.

Thế giới Cực Lạc, thế giới Ta Bà từ đâu mà có? Thật sự nó là y báo hình thành từ tâm của chúng ta mà thôi. Cho nên Cực Lạc cũng chính là thế giới ở trong tâm của chúng ta. Vậy thì muốn tìm Phật, chúng ta hãy nhìn thẳng vào nội tâm của chính mình.

Trong thế giới ấy, tức là thế giới Cực Lạc có đức Phật hiệu A Di Đà. A Di Đà là tiếng Phạn, có nghĩa là Vô lượng thọ, Vô lượng quang. Vì phước đức của ngài vô lượng nên tuổi thọ của ngài cũng sống lâu vô lượng và hào quang trí tuệ của ngài cũng chiếu soi vô biên thế giới. Vì thế, mặc dù đức Phật Thích Ca thuyết kinh này đến nay đã hơn 25 thế kỷ, nhưng chúng ta tin chắc rằng Phật Di Đà vẫn hiện đang thuyết pháp chứ chưa vào niết bàn.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc? Kỳ quốc chúng sinh vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc.

Dịch nghĩa:

Xá Lợi Phất! Vì sao thế giới kia tên là Cực Lạc? Vì chúng sinh ở nước ấy không có các khổ não, chỉ hưởng những điều vui, cho nên gọi là Cực Lạc.

Giảng:

Ở thế giới Cực Lạc, chúng sinh chỉ hưởng niềm vui, hoàn toàn không có các khổ não. Đây là câu kinh đức Phật giới thiệu tổng quát những niềm vui ở thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà và cũng chính vì thế nên cõi ấy có tên là Cực Lạc.

Như chúng ta biết, thế giới của chúng ta trong kinh gọi là cõi Ta Bà. Ta Bà tức là kham nhẫn. Vì ở đây có nhiều nỗi khổ bức bách làm chúng ta rất khó chịu đựng. Có tám nỗi khổ mà không ai tránh khỏi được, đó là cái khổ do sinh, lão, bịnh, tử, thương nhau mà sống xa nhau, ghét nhau mà phải gặp nhau, mong cầu nhưng không toại ý, và sự đòi hỏi của tinh thần, thân xác. Nhìn sâu vào thực tế cuộc sống, quý vị không thể phủ nhận tám điều khổ này.

Tuy vậy, thế giới Ta Bà cũng có chút ít niềm vui, nhưng vui ít khổ nhiều, vui và khổ đi liền với nhau. Đôi khi vui chính là cái nhân sinh ra đau khổ triền miên và, để giữ gìn niềm vui, có người còn tạo ra ác nghiệp nữa. Thế tại sao niềm vui của con người không kiên cố mà nó chỉ tạm hiện lên trong tâm trí rồi nhanh chóng trôi đi, thay vào đó một dòng cảm xúc khác? Bởi thân thể chúng ta thừa hưởng yếu tố tinh cha, huyết mẹ và niệm ái dục thọ sanh. Theo quan niệm người xưa, con người đến khi chết là trở về nơi ban đầu mình sinh ra, nên cái hòm được sơn màu đỏ (huyết mẹ), vải liệm màu trắng (tinh cha). Ba yếu tố nhơ nhớp này hòa quyện với hơi ấm tạo thành mạng sống. Nó rất bất tịnh, dễ thối rữa cho nên tâm chúng ta cũng dễ sinh ra phiền não. Vì lẽ đó cho nên chúng sinh trong thế giới Ta Bà khổ nhiều hơn vui.

Còn ở cõi Cực Lạc thì sao? Chúng sinh ở đó hóa sinh trong hoa sen, thọ hưởng yếu tố tinh khiết và tâm ý thanh tịnh, lại nương tựa vào thần lực Phật A Di Đà nên tâm thường hoan hỷ, hoàn toàn không biết đến khổ là gì. Nếu trong đời này, chúng ta biết niệm Phật thì ý nghiệp được trang nghiêm, từ đó tiến tới xả ly ái dục, đoạn trừ vọng tưởng thì chúng ta sống gần với thế giới Cực Lạc. Bởi lẽ Cực Lạc ở tại tâm. Cực Lạc chính là chân tâm thanh tịnh của chúng ta. Ai sống với hỷ xả, người ấy sống với chân lý giải thoát; ai bỏ đi chấp trước, người ấy thấy Phật A Di Đà hiện thân.

Thích Huyền Châu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *