LỄ KHAI KINH CÚNG DƯỜNG LỄ KỴ NHẬT LẦN THỨ 80 TƯỞNG NIỆM NGÀY VIÊN TỊCH ĐỨC QUỐC SƯ PHƯỚC HUỆ huý thượng CHƠN hạ LUẬN (1869-1945)
Tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Định, ngày 20/Giêng/Ất Tỵ (nhằm ngày 17/2/2025), Phật lịch 2569.
Năm 1937, sau khi đức Tăng Cang Vạn Thành liễu đạo, sơn môn đồng lòng cung thỉnh Quốc sư về Tổ đình Thập Tháp kế vị. Từ đó Ngài ở hẳn tại Bình Định, không ra Huế giảng dạy nữa, phần vì tuổi cao sức yếu, phần vì phải đảm nhận làm Đốc giáo cho Phật học đường cấp Trung đẳng mở tại chùa Long Khánh, do Hội Phật Học Bình Định thiết lập. Chính vì vậy mà nhiều học Tăng lớp Đại học ở Huế trong đó có cả các vị do hội Lưỡng Xuyên Phật học gửi ra, cùng theo vào tiếp tục học nơi Phật Học Đường Long Khánh, Bình Định.
Về các Phật sự khác, Quốc sư trùng tu lại Tổ đình Thập Tháp được khang trang, tạo nơi đây thành một trung tâm Phật giáo của tỉnh Bình Định. Ngài khai sơn chùa Phước Long tại thị trấn Phú Phong thuộc xã Bình Phú, huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Quốc sư Phước Huệ là cây đại thụ của nền Phật giáo không chỉ ở Trung kỳ, mà còn tỏa bóng xuống phần đất Nam kỳ nữa. Chính Ngài là vị giảng sư nòng cốt của các trường Đại học Phật giáo ở Huế và Bình Định trước và sau thời điểm khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung.
Sau bao năm cống hiến tài năng, sức lực, và tâm huyết cho công cuộc xây dựng tòa lâu đài Phật giáo, tháng giêng năm Ất Dậu (1945) Quốc sư Phước Huệ viên tịch tại Tổ đình Thập Tháp, thọ 76 tuổi đời, được 64 giới lạp. Đồ chúng và thiện tín xây tháp trong vườn chùa để tôn thờ Ngài. Bấy giờ Hòa thượng Trí Hải trụ trì chùa Bích Liên Bình Định đề 4 câu thơ tại tháp như sau:
Nguy nhiên nhất cao tháp
Độc tọa Đồ Bàn đông
Ngoại thị hữu vi tướng
Trung tàng vô tướng Ông.
Tạm dịch:
Cao thay một ngọn tháp
Độc chiếm đông Đồ Bàn
Ngoài bày hữu vi tướng
Trong ẩn vô tướng Ông.
Năm 1970, để tưởng niệm và ghi công Quốc sư Phước Huệ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình Định đã chọn pháp hiệu của Ngài đặt tên cho một Phật học viện mới thành lập tại Tổ đình Thập Tháp : Phật học viện Phước Huệ.
Cái tướng Hữu, Vô trong tâm pháp của Ngài đã thống nhất, nó giúp cho hạnh nguyện độ thoát quần mê và tự tồn dân tộc qua Duy Tân (vua), Tâm Minh (cư sĩ), Mật Thể, Thiện Hoa (tu sĩ) v.v… trở thành ngọn nguồn bất tận, đến muôn đời sau của Phật giáo Việt Nam.
Đất Võ Bình Định, ngày 20/Giêng/Ất Tỵ (nhằm ngày 17/2/2025), Phật lịch 2569.
Ban truyền thông CPL.

















