Nhân là nguyên nhân, chỉ cho những sự vật chính là nhân, trực tiếp sanh ra một vật khác. Như hạt lúa làm nhân sanh ra cây lúa.
Duyên là trợ duyên, chỉ cho những vật gì có tính cách trợ giúp trực tiếp hay gián tiếp cho vật khác được thành. Như phân, nước, ánh sáng, nhân công,…là trợ duyên giúp cho hạt lúa được thành cây lúa.
Vậy nhân duyên là chỉ cho các vật làm nhân cho nó mà cũng vừa là trợ duyên cho tất cả vật chung quanh nó. Chữ “nhân duyên” lại có nghĩa thứ hai:
Các vật đều là “nhân”, các “nhân” đó “duyên” với nhau mà thành ra các vật khác. Như vôi, gạch, ngói, gỗ v.v…là nhân, các nhân này duyên nhau mà thành ra cái nhà. Vì các pháp trùng điệp nhiều lớp làm duyên cho nhau, mà thành ra vật thế này hay thế khác, nên trong kinh chép: “Chư pháp trùng trùng duyên khởi”.
Vạn pháp do nhân duyên hòa hợp sanh ra, trong đó Mười Hai Nhân Duyên nắm phần cương lãnh. Như thế, Mười Hai Nhân Duyên sanh ra loài hữu tình là: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão tử.

VÔ MINH:
Nghĩa là tăm tối, mù mịt, không nhận thức sáng suốt được. Đức Phật dạy:
“Thế nào gọi là Vô Minh? Tức là không nhận thức được sự có mặt của khổ, không nhận thức được nguyên nhân gây ra đau khổ, không nhận thức được hạnh phúc khi chấm dứt nguyên nhân đau khổ và không nhận thức được con đường của sự chấm dứt nguyên nhân đau khổ nên gọi là Vô Minh”.
Vì Vô Minh nên không biết tất cả về sự vật, dầu thân, dầu cảnh, dầu sinh, dầu kiệt, dầu năng, dầu sở, dầu có, dầu không, đều do nhân duyên hội họp mà giả dối sinh ra. Do nhân duyên tan rã mà giả dối mất đi, đều theo nhân duyên mà chuyển biến như huyễn, như hóa, không có thật thể. Chính vì không biết như thế nên lầm nhận thật có cái ta, thật có cái thân, thật có hoàn cảnh, rồi do sự đối đãi giữa thân tâm và cảnh giới, phát khởi ra những tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng.
HÀNH:
Được hiểu một cách đơn giản là hành động, động lực trọng tâm khi bị khuấy động bởi Vô Minh (cái giận, cái ghét, cái buồn, cái bực bội, thù hận,…). Tất cả những hiện tượng ấy đều do Vô Minh khuấy động. Trong Kinh Phật từng dạy:
“Hành có ba loại : Thân hành, khẩu hành và ý hành”.
Như vậy chúng ta thấy đức Phật không chỉ công nhận mọi hành vi của thân, khẩu, mà ngay cả trong ý niệm, suy tư, tình cảm đều được gọi là hành.
THỨC:
Chính là ý thức, sự hiểu biết, khả năng biểu hiện và nhận thức, được thúc đẩy bởi một sự phát triển nội tại theo quy trình của nghiệp thức do nhân tố có tính quyết định là Chủng tử thức A-lại-da.
DANH SẮC:
Là các cách thức theo nghiệp báo duyên sinh ra Danh sắc.
– Sắc bao gồm những cái có hình tướng, như thân và cảnh.
– Danh bao gồm những cái không có hình tướng như cái sự hay biết, nói một cách khác, là thức tâm thuộc nghiệp nào, thì hiện ra thâm tâm và cảnh giới của nghiệp ấy.
LỤC NHẬP (còn gọi lục xứ):
Lục xứ tức là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Sự gặp gỡ của lục căn và lục trần gọi là Lục nhập.
XÚC:
Tức là chạm, tiếp xúc. Xúc là một tâm sở biến hành, nó được tạo ra bởi lục nhập. Phạm vi của xúc là sự va chạm giữa căn và trần, sự tiếp xúc giữa chủ thể và đối tượng.
THỌ:
Là nhận lãnh, cảm thọ gồm: khổ thọ, lạc thọ, phi khổ phi lạc thọ.
Cảm thọ được phát sinh do sự xúc chạm. Từ sự xúc chạm mà phát sinh cảm giác dễ chịu, cảm giác khó chịu và cảm giác trung tính. Đức Phật dạy:
“Thọ có sáu loại: Thọ phát sinh từ nhãn xúc, nhĩ xúc, tỉ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Đây gọi là thọ”.
ÁI:
Là tham ái, vương vấn, thèm muốn, khao khát. Sự thèm muốn khao khát về sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Chính sự khao khát vấn vương là nguồn gốc của khổ đau. Đức Phật dạy:
“Chính Ái hướng dẫn đến đời sống khác, đi tìm hỷ và tham, tìm kiếm hỷ lạc tại chỗ này, chỗ kia, đó là dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Này các thầy Tỳ kheo đây gọi là nguồn gốc của khổ đau”.
THỦ:
Là mắc kẹt, vì tham ái, vương vấn nên mắc kẹt. Sự mắc kẹt được mô tả ở nhiều phương diện khác nhau. Đức Phật dạy:
“Có bốn loại thủ chấp:
Dục thủ (sự mắc kẹt vào tham muốn),
Kiến thủ (mắc kẹt vào nhận thức),
Giới cấm thủ (mắc kẹt vào những giới điều),
Ngã luận thủ (mắc kẹt vào ý niệm về ngã).
Bốn loại này đều gọi là chấp thủ”.
HỮU:
Có nghĩa là sự hiện hữu. Vì mắc kẹt cho nên mới hiện hữu. Vì mắc kẹt vào Dục, Giới cấm, Ngã và Kiến nên mới có sanh tử luân hồi tam giới lục đạo. Hữu tức là sự hiện hữu của tam giới gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) nói:
“Hữu có chín loại: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu, Tưởng hữu, Phi tưởng hữu, Nhất uẩn hữu, Tứ uẩn hữu và Ngũ uẩn hữu”.
SINH:
Là sự biểu hiện. Nói một cách khác, là do không rõ đạo lý duyên khởi như huyễn, không có tự tánh nên nhận lầm thật có sinh sống. Đức Phật dạy:
“Cái thuộc chúng sinh, thuộc nhóm chúng sinh này hay nhóm chúng sinh khác, là sinh, xuất sinh, giáng sinh, đản sinh, sự xuất hiện của các uẩn, sự hình thành của các xứ đây gọi là sinh”.
Đối với con người thì sự biểu hiện của danh sắc hay ngũ uẩn gọi là sinh.
LÃO TỬ:
Tức là già chết, sự hoại diệt. Do có sinh sống, nên có già, rồi có chết. Đức Phật dạy:
“Cái gì thuộc chúng sinh, thuộc nhóm chúng sinh này hay nhóm chúng sinh khác là già, yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, các căn suy hoại, đây gọi là già. Cái thuộc chúng sinh bộ loại này hay bộ loại khác là chết, là sự tách rời là sự tiêu mất, là tử vong; các uẩn tan rã, vứt bỏ. Đây gọi là chết”.
Mười Hai Nhân Duyên là một trong những giáo lý quan trọng trong hệ thống kinh điển của đạo Phật. Giáo lý này giải thích và chứng minh luân hồi, nhưng chủ yếu là chỉ ra con đường đưa đến phương pháp giải thoát sinh tử.
Chúng ta không chỉ hiểu mười hai nhân duyên theo “Tam thế lưỡng trùng nhân quả”, trong đó các chi phần liên hệ nhau theo chiều thời gian mà nên hiểu theo tinh thần “Trùng trùng duyên khởi”. Các chi phần liên hệ chằng chịt tương hỗ lẫn nhau theo không và thời gian, trùng điệp vô thuỷ vô chung.
Ứng dụng Mười Hai Nhân Duyên vào công phu tu hành, chúng ta theo thứ lớp đoạn trừ Chi mạt Vô minh là Ái, rồi dần đến Thủ và Hữu. Đây là lối tu tiệm, cần dụng công nhiều, buông bỏ lần như chặt các ngọn. Tinh thần tu tập, một thời gian lâu xa sẽ thành công, vì có tu có tiến.
Lối tu thứ hai theo Thiền Đốn Ngộ, chúng ta đoạn trừ căn bản Vô minh, thật ra không phải là “đoạn trừ vô minh” mà là “nhận ra Minh ngay tại đó”. Tuỳ theo căn cơ và sở thích, chúng ta tự chọn cho mình một con đường, miễn sao đạt được mục đích tối hậu của đời tu: ra khỏi nhà phiền não và ra khỏi nhà tam giới.
Mười Hai Nhân Duyên là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác trong nhiều đời. Do có Vô Minh qua Hành ở các đời quá khứ nên duyên khởi ra Thức tâm của đời này. Thức tâm ấy, theo nghiệp báo duyên sinh ra Danh sắc, Danh sắc duyên sinh ra Lục nhập, Lục nhập duyên sinh ra Xúc, Xúc duyên sinh ra Thọ.
Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc và Thọ, đều là cái quả báo dị thục của các nghiệp, đã gây ra từ trước. Khi tâm chúng sinh chịu cái quả báo đó, thì do sự đối đãi giữa thân và cảnh lại sinh ra những điều ưa ghét, đó là ái. Rồi do có ưa ghét, mà gắn bó với thân và cảnh, chấp là thật có, không biết thân tâm và cảnh giới đều duyên khởi như huyễn, đó là thủ. Do có chấp trước, nên mọi sự vật, vốn là huyễn hóa, lại biến thành thật có, thân cũng có, cảnh cũng có, ý thức phân biệt cũng có, mình cũng có, người cũng có, rồi từ đó, sinh ra có gây nghiệp và có chịu báo. Đã có gây nghiệp và đã có chịu báo, thì khi hết thân này, nghiệp báo sẽ dẫn dắt vào một thân khác trong vị lai, đó là sinh, mà đã có sinh thì nhất định có lão tử.
Trên đây là phần trình bày về Mười Hai Nhân Duyên qua tiến trình của một sinh mạng, và đặc biệt chú trọng đến thời điểm sinh thành của một sinh mạng con người. Tất nhiên, không phải là sau khi một con người được sinh ra thì Mười Hai Nhân Duyên không còn nữa hoặc sẽ thay đổi sang một cấu trúc khác mà tiến trình Mười Hai Nhân Duyên ấy sẽ ngự trị trong vô luận một sinh mạng nào mãi cho đến khi sinh mạng ấy thành Phật, nghĩa là chấm dứt luân hồi sinh tử.
Phật học Trí Diệu, Phước Long tự, Phật lịch 2565, ngày 26/9/2021.
Hiền Triết