1- Năng không nhất thiết tướng, thành vạn pháp như trí. Nhi bất năng tức diệt định nghiệp.
Nghĩa là trí tuệ của Ngài thấy rất rõ vạn pháp giai không. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đều giai không. Chỉ được với Ngài thôi. Nhưng Ngài không có khả năng xã định nghiệp cho chúng sanh. Những chúng sanh không xóa bỏ ngã chấp, pháp chấp, họ thấy có hai, có thương với ghét, có được với mất, có giàu với nghèo… thì đức Thế Tôn cũng không thể làm dùm cho họ được, để cho họ thanh tịnh được. Người nào còn thấy có hai, thì nhất định phải chịu ưu bi khổ sở, đức Phật không thể khổ dùm được. Vì vậy, không nên “trăm sự nhờ thầy”, “trăm sự nhờ Phật”.
2- Năng tri quần sanh tri tánh, cùng ức kiếp sanh tử chi sự. Nhi bất năng hóa đạo vô duyên
Ngài có thể biết được căn cơ, chủng tánh của chúng sanh; nhìn là biết ngay, nghe là biết ngay, gặp là biết ngay.
Như Lai có độ được cho họ có an lạc hạnh phúc, có khinh an tự tại, phải là người có duyên! Còn người vô duyên, thì không thể nào độ được, không thể giáo pháp được.
Cũng như vậy, ta cũng đừng nóng nảy, vội vã đem lòng từ, để mong cầu ai ai cũng thánh thiện hết. Chỉ lỗ lã, thêm buồn và nãn chí mà thôi. Làm sao những người vô duyên với đạo Phật, mà bảo họ tiếp thu được.
Do đó, những chúng sanh nào vô duyên, thì cứ để cho người ta đi theo con đường của người ta tự chọn, hợp với căn cơ, chủng tánh của người ta mà thôi. Từ từ có cơ hội mới gieo trồng được chủng tử Phật ở nhiều đời nhiều kiếp.
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.
Vô duyên đối diện bất tương phùng.
Có Phật tử bên Mỹ, nghe băng giảng của tôi vô cùng sung sướng, vô cùng hạnh phúc, kính quý, ái mộ vô cùng, không còn cái nào đúng hơn được. Còn những người ở kế bên tôi, điều này có thật, ở chung nhà với tôi, mà không hề nghe một băng, chưa hề đọc một trang sách. Còn những người hàng xóm ở chung quanh tôi, chớ hề biết tôi là ai, tôi tên gì? Tôi làm nghề gì? Đó là đối diện bất tương phùng.
Phật hồi xưa cũng vậy, bên Ấn Độ, đâu phải ai gặp Phật cũng quý, cũng tu Phật? Đó là bất năng hóa độ vô duyên.Ai là người tu hành mới đi trên con đường tu hành mà thôi. Ngài Huyền Giác nói:
Thường độc hành, thường độc bộ.
Đạt giả đồng du, Niết bàn lộ.
Người tu hành thường đi một mình với lý tưởng riêng của chính mình. Nếu ai cùng chung lý tưởng, chung đường lối tu hành, thì mới đi cùng nhau đến điểm giải thoát Niết bàn mà thôi.
3- Năng độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh. Nhi bất năng độ tận chúng sanh giới
Có thể độ được nhiều chúng sanh, từ khi đức Phật còn tại thế và có thể độ nhiều chúng sanh nữa ở hậu thế sau này. Đệ tử đức Phật, thay thế Phật độ vô số vô biên chúng sanh. Nhưng cả thế giới không khi nào độ hết được. Nghiệp của chúng sanh, ai làm thì người ấy chịu. Ai tu hành thì thanh tịnh. Ai gian tham, lừa gạt thì đau khổ ê chề. Không thể nào biến nhân gian thành thiên đàng được. Không thể nào thiết lập được hoàn toàn nhân gian tịnh độ. Chuyển Ta-bà thành Tịnh-độ, là chuyển với hạng người nào? Còn hạng người nào không thể chuyển được? Đức Phật không hề có ý niệm thống lãnh cả thế giới.
Khen chê bất động Diệu cao sơn: Đức Phật thuyết pháp có Tam hiện trụ, cũng như có Tam năng và Tam bất năng.