LBBT: Tổ LIỄU TRÍ – HUỆ NHẬT (1752 – 1826) Trụ trì Tổ đình Thập Tháp trong giai đoạn chùa hứng lấy rất nhiều vết tích chiến tranh giữa triều Tây Sơn và Nguyễn Ánh trong giai đoạn cuối của triều đại Tây Sơn. Tổ có công rất lớn trong việc đại trùng tu Tổ đình sau khi triều Tây Sơn sụp đổ.
Hòa thượng Liễu Trí – Huệ Nhật sanh năm Nhâm Thân (1752), xuất gia tại chùa Thập Tháp, đầu sư với Hòa thượng Tế Trí – Hữu Phỉ, được pháp danh Liễu Trí hiệu Huệ Nhật, Lâm tế chánh tông đời thứ 37.
Khi Hòa thượng Tế Trí – Hữu Phỉ viên tịch năm 1799, Hòa thượng Liễu Trí – Huệ Nhật kế thừa Bổn sư Trú trì Tổ đình Thập Tháp. Lúc bấy giờ nhà Tây Sơn đang trên đà suy yếu, Nguyễn Phước Ánh đem quân quay trở ra đánh Phú Xuân. Tại thành Qui Nhơn (Đồ Bàn), tướng Võ Tánh tử thủ trong thành chống lại tướng của Tây Sơn là Trần Quang Diệu. Hai bên cầm cự đánh nhau kéo dài trên hai năm, tên bay đạn lạc khói lửa ngút trời. Nằm trong tầm tên mũi đạn vì vậy mà chùa Thập Tháp hứng lấy rất nhiều vết tích chiến tranh. Qua những lần trùng tu sau nầy, những tàn tích ấy đều được khôi phục trở lại. Duy chỉ còn một vết đạn xuyên qua phần trên cây cột phía góc Tây của Chánh điện mà ngày nay vẫn còn nhìn thấy.
Năm Nhâm Tuất (1802), nhà Tây Sơn hoàn toàn sụp đổ, Nguyễn Phước Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long (1802 – 1819), bắt đầu lập lên vương triều nhà Nguyễn. Chiến tranh vừa chấm dứt, mọi người lại bắt tay vào công việc tái thiết và xây dựng. Tại chùa Thập Tháp, Hòa thượng Liễu Trí – Huệ Nhật đứng ra vận động chư tăng và tín đồ khắp nơi, chuẩn bị cho công cuộc đại trùng tu ngôi tổ đình sau nhiều năm chiến tranh hư hoại.

Năm Minh Mạng thứ I (1820), Hòa thượng Liễu Trí – Huệ Nhật được sự phối hợp và hỗ trợ đắc lực của Hòa thượng Tổ Ấn – Mật Hoằng, lúc bấy giờ đương làm Tăng cang chùa Thiên Mụ và trú trì chùa Quốc Ân, đứng ra trùng tu lại ngôi Chánh điện, Tổ đường, Giảng đường, tháp miếu và tường thành, làm cho chùa viện lại trở nên huy hoàng hơn xưa. Trong Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi:
“Minh Mạng nguyên niên, thầy tu ở tại chùa Linh Mụ là Hòa thượng Mật Hoằng trùng tu lại chùa chiền rộng rãi, sơn son thếp vàng huy hoàng, cùng với chùa Linh Phong, nổi tiếng thắng cảnh ở tỉnh Bình Định”.
Đồng thời bức hoành đề tên chùa Sắc Tứ Thập Tháp Di Đà Tự hiện treo trước Chánh Điện cũng được Hòa thượng Mật Hoằng trùng khắc lại nhân dịp đại trùng tu nầy.
Đến năm Bính Tuất (1826) vào giờ Ngọ ngày 23 tháng 9, Hòa thượng Liễu Trí – Huệ Nhật viên tịch tại chùa Thập Tháp, hưởng thọ 74 tuổi. Đệ tử môn đồ lập tháp sau vườn chùa để thờ Hòa thượng. Long vị thờ tại Tổ đường ghi rằng:
“Sắc tứ Thập Tháp Di Đà tự trú trì, Lâm Tế Phổ tam thập thất đại, húy Liễu Trí thượng Huệ hạ Nhật Hòa thượng nghê tòa”.
Hòa Thượng có rất nhiều đệ tử nổi tiếng thay nhau thừa kế Trú trì Tổ đình Thập Tháp như: Hòa thượng Đạt Lượng – Hưng Long, Đạt Khoan – Chánh An, Đạt Thuyên – Nhật Chánh. Ngoài ra, còn có các đệ tử khác đứng ra khai sơn các ngôi chùa khác như:
Hòa thượng Đạt Lương – Bảo Long, khai sơn chùa Tân An. Chùa nầy nằm phía Tây – Bắc chùa Thập Tháp cách nhau dòng suối Bàn Khê. Ngôi chùa nầy về sau được Hòa thượng Không Ấn – Mật Hạnh, đệ tử của Quốc Sư Chơn Luận-Phước Huệ, thừa kế trú trì và tổ chức nhiều đợt trùng tu tái thiết làm cho ngôi chùa trở nên rộng rãi trang nghiêm.
Hòa thượng Đạt Giám – Từ Ân, khai sơn chùa Long Phước tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước – Bình Định.
Hòa thượng Đạt Huệ, về sau được cử đến trú trì ngôi chùa Thiên Bình tại xã Nhơn Phong nay thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Hiện tháp của Hòa thượng nằm cạnh phía Tây chùa Thiên Bình.
Chiếu theo Long vị thờ tại Tổ đường Thập Tháp, Hòa thượng Liễu Trí – Huệ Nhật còn có nhiều đệ tử khác như: Đạt Thoại – Nhật Khoang, Đạt Thiều – Thiện Dương, Đạt Thọ – Quang Trường, giám tự Đạt Thái tánh Hoàng Đức Khả…
(Chùa Thập Tháp và Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch, Tác giả: Thích Viên Kiên biên soạn).