Tổ sư Siêu Bạch – Nguyên Thiều

Tác giả: Thích Viên Kiên biên soạn
TỔ SƯ SIÊU BẠCH – NGUYÊN THIỀU (1648 – 1728) – Khai sơn Tổ đình Thập Tháp Di Đà tại tỉnh Bình Định
 
Tổ sư họ Tạ, quê quán huyện Trình Hương phủ Triều Châu tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc. Tổ sư thuộc triều đại nhà Thanh, sanh vào giờ Tuất ngày 18 tháng 5 năm Mậu Tý (1648). Năm 19 tuổi, Ngài từ giã song thân đến tại chùa Báo Tư xuất gia đầu sư với Hòa thượng Bổn Khao – Khoáng Viên thuộc dòng thiền Lâm tế đời thứ 32. Sau khi đắc pháp, Ngài được Hòa thượng truyền cho cả hai pháp danh là Nguyên Thiều hiệu Thọ Tôn và Siêu Bạch hiệu Hoán Bích, Lâm tế chánh tông đời thứ 33.
 
Đến năm Đinh Tỵ (1677) cơ duyên đầy đủ, Ngài theo thuyền buôn sang Việt nam, nhằm vào vào đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 3 (1675 – 1679), ở Đàng Trong nhằm thời chúa Hiền – Nguyễn Phước Tần (1648 – 1687). Đầu tiên, Ngài đến phủ Qui Ninh, nay là tỉnh Bình Định, dừng chân tại khu đồi Long Bích cạnh thành Đồ Bàn thuộc làng Thuận Chánh, nay là khu vực Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thấy nơi đây có nhiều vượng khí, cảnh trí lại u nhã nên Ngài liền dựng lập một ngôi chùa đặt tên là Thập Tháp Di Đà để làm cơ sở truyền bá Phật pháp. Với chí nguyện độ sanh vô cùng mạnh mẽ, Ngài vừa xây dựng chùa viện vừa tiếp độ Tăng chúng.
 
Đến năm Quí Hợi (1683) niên hiệu Chánh Hòa thứ 4, sau khi xây dựng chùa Thập Tháp hoàn thành, Tổ sư Nguyên Thiều phải vội vã lên đường ra Xuân Kinh theo lời mời của chúa Hiền để hoằng dương Phật pháp tại vùng đất Thuận Hóa. Chùa Thập Tháp được Thiền sư Tánh Đề – Đạo Nguyên thừa đương Phật sự, tiếp tục xây dựng, dạy dỗ Tăng chúng thay cho Tổ sư. 
Chân dung đức Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch, đang thờ tại Tổ đường chùa Thập Tháp, Bình Định
Trước tiên, Tổ sư đến cửa biển Tư Dung thuộc huyện Phú Lộc dựng lập ngôi chùa Hà Trung. Rồi sau đó Tổ sư tiếp tục đi đến núi Phú Xuân khai sáng chùa Quốc Ân và dựng tháp Phổ Đồng tại chân đồi Hòa Thiên phía tả núi Ngự Bình để làm cơ sở truyền bá Phật pháp.
 
Năm 1688, Tổ sư vâng mệnh chúa Nghĩa – Nguyễn Phước Trăn trở về Quảng Đông – Trung Hoa để mời thỉnh danh Tăng cùng với kinh sách, tượng Phật và pháp khí. Trong lần trở lại Việt Nam nầy có các Thiền tăng cùng sang theo như: Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung, Hưng Liên – Quả Hoằng, Giác Phong, Từ Lâm, v.v… Sau đó, Tổ sư đứng ra khai mở giới đàn đầu tiên tại Trung – Việt để truyền trao giới pháp. Từ đó phái thiền Lâm tế bắt đầu truyền bá rộng rãi khắp cả xứ Thuận Hóa. Về sau những đệ tử của Tổ sư chia nhau đi vào tận những miền đất phía nam của đất nước với sự nghiệp hoằng dương chánh pháp.
  
Thời gian thấm thoát trôi qua, Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch tận tụy cống hiến trọn một đời cho sự nghiệp khai mở cơ đồ, truyền bá chánh pháp.  Đến ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân (1728), Tổ Sư lâm bệnh nhẹ, cho triệu tập đồ chúng về chùa Quốc Ân dặn dò và di chúc mật ngữ. Trước giờ phút xả bỏ báo thân, Tổ sư chấp bút viết kệ rằng:
 
Tịch tịch cảnh vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không.
 
Dịch nghĩa:
 
Vắng lặng gương không bóng
Rực sáng ngọc nào dung
Rỡ ràng vật chẳng vật
Rỗng rang không vật không.
Bảo tháp Tổ sư Nguyên Thiền – Siêu Bạch tại Huế
Viết kệ xong, Tổ sư an nhiên thị tịch, thọ 81 tuổi.  Đệ tử cùng quan dân môn đồ lập Bảo Tháp tại ấp Thượng Một làng Dương Xuân Thượng để thờ nhục thân Tổ sư. Đến ngày mùng 8 tháng 4 niên hiệu Bảo Thái thứ 10 (Kỷ Dậu – 1729), chúa Nguyễn Phước Trú ban cho thụy hiệu là “Hạnh Đoan Thiền Sư” và làm bài ký minh dựng tại bảo tháp để tuyên dương công đức cũng như đạo hạnh của Tổ sư:
 
Ưu ưu Bát Nhã
Đường đường Phạm thất
Thủy nguyệt ưu du
Giới trì chiến lật
Trạm tịch cô kiên
Trác lập khả tất
Quán thân bổn không
Hoằng pháp lợi vật
Biến phú tùy vân
Phổ chiếu tuệ nhật
Chiêm chi chiêm chi
Thái sơn ngật ngật.
 
Đại ý bài nầy nói rằng: Tổ sư Nguyên Thiều là bậc Thánh tăng, hiện thân của trí tuệ trang nghiêm thanh tịnh. Sự xuất hiện của Người ưu du tự tại như trăng nước, giới đức vững vàng chắc chắn. Bởi quán thân giả tạm vô thường nên thuyết pháp lợi chúng như mây lành che phủ, như mặt trời trí tuệ soi khắp nhân gian. Trông Người đồ sộ như núi Thái sơn vươn cao chất ngất.
 
Hiện nay, long vị của Tổ sư thờ tại chính giữa Tổ đường Thập Tháp, trong đó ghi rằng: “Từ Lâm Tế Chánh Tông tam thập tam thế, Quốc Ân đường thượng, thượng Thọ hạ Tôn húy Nguyên Thiều đại lão Hòa thượng liên tọa”.
 
– Mậu Tý niên Ngũ nguyệt Thập Bát nhật Tuất thời Lai. (Sanh giờ Tuất ngày 18-5-1648).
– Mậu Thân niên Thập nguyệt Thập Cửu nhật Cát thời  Khứ. (Tịch ngày 19-10-1728).
 
Như phần trước đã trình bày, Tổ sư Nguyên Thiều trước khi qua Việt Nam được truyền thừa cả hai dòng kệ truyền pháp.
 
Dòng thứ nhất của Thiền sư Tổ Định – Tuyết Phong: Bài kệ của Ngài Thiền Sư Vạn Phong Thời Uỷ (Môn phái Hải Đức, Huế và Môn phái Thập Tháp Di Đà, Bình Định) đều dùng bài kệ nầy:

祖導戒定宗

方廣證圓通

行超明寔際

了達悟真空

如日光常照

普周利人天

信香生福慧

相繼振慈風

Âm Hán Việt:   

Tổ Đạo Giới Định Tông   

Phương Quảng Chứng Viên Thông   

Hạnh Siêu Minh Thật Tế   

Liễu Đạt Ngộ Chơn Không   

Như Nhật (Nhựt) Quang Thường Chiếu   

Phổ Châu Lợi Nhân Thiên   

Tín Hương Sanh Phước Huệ   

Tương Kế Chấn Từ Phong.  

Dòng thứ hai của thiền sư Đạo Mân – Mộc Trần: Miền Trung và miền Nam (môn phái chùa Quốc Ân do Tổ Nguyên Thiều lập) đa số dùng bài kệ của Ngài Đạo Mân đời thứ 31 như sau:
 

導本原成佛祖先

明如紅日麗中天

靈源廣潤慈風溥

照世真燈萬古懸

Âm Hán Việt:  

Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên   

Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên   

Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ   

Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Huyền.

 
Vì vậy mà tại chùa Giác Lâm thuộc quận Tân Bình – Sài Gòn, hàng môn hạ của Tổ sư cũng có lập long vị để vọng thờ, long vị ghi rằng: “Sắc tứ Quốc Ân đường thượng, Lâm Tế Chánh Tông tam thập tam thế, thượng Hoán hạ Bích húy Siêu Bạch lão Tổ hòa thượng giác linh”.
 
Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch có rất nhiều đệ tử xuất gia, hoặc được truyền thừa theo dòng kệ Tổ Định – Tuyết Phong hoặc được truyền thừa theo dòng kệ Đạo Mân – Mộc Trần, chia nhau đi hoằng hóa nhiều nơi như sau:
 
1. Hòa thượng Minh Giác – Kỳ Phương (1682 – 1744): Còn có pháp danh thứ hai là Thành Đạo hiệu Kỳ Phương, thừa kế trú trì tổ đình Thập Tháp Di Đà (xem phần hành trạng của Hòa thượng).
 
2. Hòa thượng Minh Lượng – Nguyệt Ân (1686 – 1769): Còn có pháp danh khác là Thành Đẳng hiệu Nguyệt Ân, khai sơn chùa Vạn Đức ở Hội An tỉnh Quảng Nam; Chùa Bảo Phong tại làng Phong Ấp, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; về sau Hòa thượng lại cất bước vân du vào hoằng hóa tại chùa Đại Giác ở Đồng Nai. Hòa thượng truyền cho đệ tử cả hai dòng kệ pháp như:
 
• Dòng kệ Tổ Định – Tuyết Phong:
 
Tổ Minh Lượng – Nguyệt Ân truyền xuống cho Hòa thượng Thiệt Địa – Pháp Ấn. Hòa thượng Thiệt Địa – Pháp Ấn xuất gia đầu sư với Tổ Minh Lượng tại chùa Bảo Phong, huyện Ninh Hòa. Sau một thời gian thừa kế trú trì, hoằng hóa nơi đây, Hòa thượng đi vô khai sơn chùa Kim Sơn trên núi Gành, làng Ngọc Toàn, huyện Vĩnh Xương nay thuộc xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, Hòa thượng còn khai sơn chùa Kim Ấn, ở làng Phú Gia, xã Ninh An, thuộc huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chiếu theo thư tịch, pháp quyển của chùa Thiên Phước tại xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, ta thấy được một chi mạch truyền thừa của Tổ Minh Lượng – Nguyệt Ân như sau:
 
– Lâm Tế Chánh Tông đời 34, Minh Lượng – Nguyệt Ân, khai sơn chùa Bảo Phong.
– Đời 35 Thiệt Địa – Pháp Ấn, khai sơn chùa Kim Sơn và chùa Kim Ấn.
– Đời 36 Tế Chơn – Hoằng Tuân.
– Đời 37 Liễu Đức – Huệ Giáo.
– Đời 38 Đạt Chánh – Từ Nghiêm, khai sơn chùa Thiên Phước.
– Đời 38 Đạt Thiệt – Bảo Thành.
– Đời 39 Ngộ Chiếu – Phổ Trạch.
– Đời 39 Ngộ Hồ – Phổ Độ. 
– Đời 39 Ngộ Kinh – Phổ Sử. 
– Đời 39 Ngộ Thiện – Phổ Quảng. 
– Đời 40 Chơn Trừ –  Đắc Lý.
– Đời 41 Không Hỷ – Pháp Lạc, trú trì chùa Thiên Phước hiện nay.
 
• Dòng kệ Đạo Mân – Mộc Trần:
 
Tổ Thành Đẳng (Minh Lượng) – Nguyệt Ân truyền xuống các đệ tử như: Hòa thượng Phật Ý – Linh Nhạc khai sơn chùa Từ Ân và Khải Tường tại Gia Định, về sau có đệ tử nổi tiếng là Tổ Ấn – Mật Hoằng (người tỉnh Bình Định) ra làm Tăng cang chùa Thiên Mụ; Hòa thượng Phật Tuyết – Tường Quang thừa kế Bổn sư trú trì chùa Vạn Đức tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam; Hòa thượng Phật Tường – Đức Liên khai sơn chùa Quang Hoa ở tỉnh Bình Định.
 
Căn cứ theo Long vị thờ tại Tổ đình Thập Tháp thì Hòa thượng Minh Lượng – Nguyệt Ân còn có hoằng truyền tại chùa Phổ Bảo, nhưng chưa rõ chùa ở tại địa phương nào. Lúc cuối đời, Tổ Minh Lượng – Nguyệt Ân quay trở về an dưỡng tại chùa Thập Tháp tỉnh Bình Định và viên tịch nơi đây. Long vị thờ tại Tổ đường, ghi rằng: “Phổ Bảo hoằng truyền đường thượng, từ Tổ Lâm Tế Chánh Tông tam thập tứ thế, húy Minh Lượng thượng Nguyệt hạ Ân đại lão Hòa thượng liên tòa”.   
 
3. Hòa thượng Minh Vật – Nhất Tri ( ? – 1786): Trú trì chùa Kim Cang tỉnh Đồng Nai, sau bị chiến tranh tàn phá nên dời về chùa Kim Long tại Biên Hoà – Đồng Nai. Hòa thượng có các đệ tử nổi tiếng như:
 
– Hòa thượng Thiệt Thành – Liễu Đạt: Hoằng hóa tại chùa Từ Ân và Khải Tường ở Gia Định, có các đệ tử như: Tế Chánh – Bổn Giác, Tế Bổn – Viên Thường.
 
– Hòa thượng Thiệt Thoại – Tánh Tường: Khai sơn chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức, có các đệ tử như: Tế Vĩnh – Quảng Nhơn; Tế Lý – Quảng Đức; Tế Giác – Quảng Châu (còn có pháp danh khác là Tiên Giác hiệu Hải Tịnh) hoằng hóa nổi tiếng tại chùa Giác Lâm thuộc Gia Định – Sài Gòn, về sau ra làm Tăng cang chùa Thiên Mụ và chùa Giác Hoàng.
 
4. Hòa thượng Minh Hải – Pháp Bảo (1670 – 1754): Khai sơn chùa Chúc Thánh ở Hội An, tỉnh Quảng Nam, có biệt xuất một bài kệ truyền pháp riêng: 
 
Minh thiệt pháp toàn chương      
Ấn chơn như thị đồng 
Chúc thánh thọ thiên cửu  
Kỳ quốc tộ địa trường.
Đắc chánh luật vi tông
Tổ đạo giải hạnh thông
Giác Hoa bồ đề thọ  
Sung mãn nhân thiên trung. 
 
Về sau bài kệ pháp nầy được truyền bá rộng rãi khắp cả các tỉnh miền Trung và miền Nam. Đệ tử của Hòa thượng là Thiệt Doanh – Chánh Hiển ở chùa Phước Lâm tỉnh Quảng Nam, về sau có các đệ tử nổi tiếng như: Pháp Kiêm – Luật Oai thừa kế trú trì chùa Phước Lâm, Pháp Chuyên – Luật Truyền khai sơn chùa Từ Quang núi Đá trắng tỉnh Phú Yên.
 
Căn cứ trong tài liệu “Phật Tổ – Chánh Truyền Nhất Chi – Từ Trung Thiên đến Trung Hoa và Trung Việt” của Hòa thượng Pháp Chuyên – Luật Truyền, bản dịch của Hòa thượng Khánh Anh cho rằng: Hòa thượng Minh Hải – Pháp Bảo (Lâm tế tông đời thứ 34) là đệ tử đích truyền của Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch (Lâm tế tông đời thứ 33) và có lập thế thứ truyền thừa một cách rõ ràng. Nhưng gần đây có chỗ cho rằng Hòa thượng Minh Hải – Pháp Bảo không phải là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều. Điều nầy có thể gây nên sự phân vân không ít, bởi vì xét theo thế thứ thì Hòa thượng Pháp Chuyên – Luật Truyền (Lâm tế tông đời thứ 36) chỉ cách Tổ Minh Hải – Pháp Bảo (Lâm tế tông đời thứ 34) có một đời. Hơn nữa, Hòa thượng Pháp Chuyên – Luật Truyền là vị Thiền sư nổi tiếng uyên thâm Phật học, bác lãm thế nho, được truyền thừa theo kệ pháp của Tổ Minh Hải – Pháp Bảo (Minh Thật Pháp Toàn Chương…). Cho nên những điều Hòa thượng ghi chép về Tổ Minh Hải – Pháp Bảo nay lấy làm căn cứ không đáng lắm sao?
 
5. Hòa thượng Minh Hoằng – Tử Dung: Khai sơn chùa Ấn Tôn, nay là Từ Đàm. Đệ tử của Hòa thượng rất nhiều nhưng nổi tiếng hơn hết là Thiệt Vinh – Bảo Hạnh và Thiệt Diệu – Liễu Quán (người tỉnh Phú Yên), về sau Hòa thượng Thiệt Diệu – Liễu Quán đứng ra khai sơn chùa Thiền Tôn tại núi Thiên Thai, phủ Thừa Thiên và biệt xuất một bài kệ truyền pháp mới:
 
Thật tế đại đạo       
Tánh hải thanh trừng 
Tâm nguyên quảng nhuận      
Đức bổn từ phong.
Giới định phước huệ      
Thể dụng viên thông
Vĩnh siêu trí quả      
Mật khế thành công.
Truyền trì diệu lý      
Diễn xướng chánh tông
Hạnh giải tương ưng      
Đạt ngộ chân không. 
 
Về sau dòng kệ pháp nầy được truyền bá rộng rãi và phổ biến khắp các tỉnh miền Trung cũng như miền Nam.
 
6. Hòa thượng Minh Hằng – Định Nhiên: Thừa kế trú trì chùa Quốc Ân, về sau có các đệ tử và pháp tôn như: Thiệt Tánh – Trí Hải truyền đến Tế Lịch – Chánh Văn và tiếp theo là Liễu Thông – Huệ Giám,…
 
7. Hòa thượng Thành Nhạc – Ẩn Sơn: Khai sơn chùa núi Châu Thới và chùa Long Thiền ở Đồng Nai, về sau có đệ tử là Phật Chiếu – Linh Quang khai sơn chùa Phước Tường ở Thủ Đức – Gia Định.
 
8. Hòa thượng Thành Chí – Pháp Thông: Còn có pháp danh khác là Minh Dung hiệu Pháp Thông, hành đạo tại chùa Hoàng Long trên núi Bửu Long được mọi người ngưỡng mộ nên thường gọi là Hòa thượng Hoàng Long. Hiện chùa Thập Tháp có long vị thờ Hòa thượng, ghi rằng: “Từ Lâm Tế chánh tông tam thập tứ thế, Hoàng Long đường thượng, thượng Pháp hạ Thông húy Minh Dung Hòa thượng giác linh chi vị”.
 
9. Hòa thượng Thành Ngộ – Nghiêm An: Ban đầu hành đạo tại chùa Quốc Ân, về sau đi vân du hoằng hóa và khai lập một ngôi chùa mang tên Linh Thứu, nhưng chưa rõ ở đâu và đệ tử truyền thừa là ai.
 
10. Hòa thượng Minh Phụng (không rõ pháp hiệu): Khai sơn và hành đạo tại chùa núi Hòn Sấm tỉnh Khánh Hòa, gần chùa Bảo Phong của Hòa thượng Minh Lượng – Nguyệt Ân.
 
11. Hòa thượng Minh Trí – Thiện An: Thuở ấu thời xuất gia đầu sư với Thiền sư Tánh Đề – Đạo Nguyên tại chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định) có pháp danh là Hải Trinh tự Thiện An. Sau đó ra chùa Quốc Ân (Thừa Thiên Huế) y chỉ, tham học với Thiền sư Nguyên Thiều – Thọ Tông, được có thêm pháp danh thứ hai là Minh Trí – Thiện An, Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 34. Về sau Hòa thượng trác tích trú trì chùa Tây Thiên, nay thuộc ấp Cư Sĩ, khu vực II, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. 
Tổ đường Tổ đình Thập Tháp, Bình Định
Để nói thêm về hành trạng của Tổ sư Nguyên Thiều từ khi phát hiện ra một ngôi tháp khác của Tổ sư ở tại chùa Kim Cang thuộc tỉnh Đồng Nai. Theo Nguyễn Hiền Đức trong “Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong” cho rằng:  Khoảng thời gian trụ trì chùa Hà Trung, Tổ sư đã âm thầm đi vào tỉnh Đồng Nai, khai sáng chùa Kim Cang và hành đạo tại đây cho đến ngày viên tịch, đồ chúng xây tháp cạnh vườn chùa Kim Cang để thờ nhục thân Tổ sư. Tác giả còn nhấn mạnh rằng tháp Tổ tại chùa Kim Cang mới là tháp chính còn tháp tại Phú Xuân chỉ là tháp vọng. Để bảo vệ cho lập trường trên, Nguyễn Hiền Đức đã đặt ra một số nghi vấn rằng: Tại sao chúa Nguyễn Phước Chu cử Tổ sư ra trụ trì chùa Hà Trung, một nơi xa xôi hẻo lánh cách xa kinh thành? Từ khi trụ trì chùa Hà Trung đến khi viên tịch trải qua khoảng 30 năm, Tổ sư đã làm gì không thấy nhắc đến?
 
Năm 1695 Hòa thượng Thạch Liêm sang Việt Nam có đến chùa Hà Trung để thăm Tổ sư nhưng không gặp, vậy Tổ sư đã đi đâu? Với những nghi vấn nầy, Nguyễn Hiền Đức đã viện dẫn thêm một vài biến cố nổi loạn của những người Việt gốc Hoa từ năm 1692 đến năm 1695, chúa Nguyễn Phước Chu nghi ngờ Tổ sư có liên lụy, nên đã “cử” Tổ sư ra  làm trụ trì chùa Hà Trung. Với những nghi vấn và dữ kiện trên, Nguyễn Hiền Đức khẳng định là Tổ sư đã âm thầm bỏ chùa Hà Trung đi vào miền Nam. Tuy nhiên, trên đây chỉ là những nghi vấn để làm cơ sở lập lên một giả thiết, thật ra cho đến ngày nay vẫn chưa tìm thấy được một cứ liệu nào rõ ràng để xác minh sự đi vào Nam của Tổ sư. Chỉ một vài dữ kiện trên chưa đủ để khẳng định rằng Tổ sư từ bỏ đất Thuận Hóa để vô Nam và tháp Tổ tại chùa Kim Cang là ngôi tháp chính, còn tháp gần chùa Quốc Ân tại Thừa Thiên Huế là tháp vọng.
 
(Chùa Thập Tháp và Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch, Tác giả: Thích Viên Kiên biên soạn).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *