Vấn đề tín ngưỡng và thực trạng Phật giáo

Tác giả: Trung Nghiêm

Theo thống kê của Hội Phật giáo Quốc tế gần đây, hiện nay Phật Giáo có khoảng hơn 700 triệu tín đồ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để chuẩn xác số lượng tín đồ đối với đạo Phật là rất khó, bởi lẽ cơ cấu quản lý giáo hội đối với các chùa, viện, am, thất theo mô hình tự cung tự cấp, do đó sự quy ngưỡng của tín đồ đối với Phật giáo nói chung cũng như từng chùa, viện, am, thất nói riêng, nên rất khó để thống kê chính xác. Việc thống kê này chỉ dựa theo sự thông báo của từng đơn vị tự viện thông qua số lượng ghi nhận của hệ phái quy y. Bên  cạnh đó số người đi chùa, tham gia sinh hoạt Phật sự nhưng chưa từng quy y và có phái quy y, cũng như các gia đình có truyền thống theo Phật giáo và các thế hệ con cháu vẫn theo truyền thống gia đình nhưng không được hướng dẫn để quy y, số lượng đó không thể tính được. Đây là một vấn đề rất khó đối với các nhà thống kê Phật giáo cũng như các nhà thống kê xã hội. Đó là vấn đề của các nhà thống kê, trong bài viết này tác giả không muốn lạm bàn mà chỉ muốn đề cập đến tính chất và thực trạng của vấn đề tín ngưỡng trong Phật giáo mà thôi.

Ngày nay khi nền kinh tế xã hội đang dần dần được cải tiến, cuộc sống của từng cá nhân và gia đình ngày được hoàn thiện thì nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh lại càng được chú trọng hơn. Đặc biệt trong môi trường xã hội phát triển, chủ nghĩa thực dụng, vật chất hoá là nguyên do cộng sinh cho những tệ nạn và sự tha hoá nhân tâm. Vấn đề tín ngưỡng lại trở nên bức thiết, vô cùng quan trọng trong việc chế phục nhân tâm, tái hoàn thiện nhân cách góp phần xây dựng trật tự, bình an hạnh phúc cho xã hội. Nhưng sự chế phục dẫn dắt của tôn giáo như thế nào ? Kết quả của sự tác động và quy hướng của tín đồ ra sao ? Đó là một vấn đề lớn mà tôn giáo nào cũng phải đặt ra và các vị lãnh đạo tâm linh có thiện chí, người trực tiếp dẫn dắt tín đồ cần phải thao thức.

Có người tự đặt câu hỏi rằng liệu những người Phật tử có thể hiểu và chuyển hoá được mình thông qua các phương thức truyền giáo và trực tiếp từ các vị tu sĩ không ? Đó là một vấn đề mang tính cá nhân, tùy thuộc vào từng quốc gia, văn hóa, các yếu tố tự nhiên, và sự tác động trực tiếp của người hướng dẫn đối với đối tượng được hướng dẫn mà trên hết vẫn là sự tự giác, nhận thức tự thân của người được hướng dẫn. Ở đây vai trò của người dẫn dắt như một vị hướng đạo, định hướng, khích lệ đồng thời xây dựng một nhận thức đúng đắn trong đức tin của tín đồ trên bước đường nhập đạo và hành đạo. Nhìn chung các tín đồ Châu Á có nhiều điều kiện thuận lợi và thường xuyên trong việc tiếp cận gần gũi với giới tu sĩ, chùa chiền, hơn là các tín đồ Âu Châu. Tuy nhiên, sự tiếp cận qua nhiều hình thức trong tín ngưỡng vốn rất phức tạp cũng tạo ra biết bao hệ lụy tiêu cực, lạc dẫn trong niềm tin chính đạo. Do đó chúng ta cần phải sáng suốt và thận trọng đối với tín ngưỡng của mình nếu không muốn trở thành kẻ cuồng mê, mụ mị trong đức tin.

Có phải vì tự thân tôn giáo quá phức tạp, không nhất quán, xây dựng một giáo điển không đặt trên nền tảng của đạo đức, không khế hợp với những giá trị chân lý của nhân sinh, lạc hậu và hủ bại để không gây được niềm tin cho tín đồ dẫn đến tình trạng hồ nghi, bất mãn và bất tín trong đức tin của mình?

Ở đây không bàn đến chủ đích cũng như thẩm định giá trị hoàn thiện hay không của các tôn giáo khác mà ở đây chỉ bàn đến những giá trị, sự tác động cọng hưởng của Phật giáo đối với quần chúng Phật tử.

Theo tôi đó không phải là vấn đề “thiếu hoàn thiện” của một tôn giáo và thực tế lịch sử cũng như những thành tựu đóng góp của Phật giáo đối với nhân loại đã nói lên điều đó. Ngày nay các hành vi thiếu đạo đức, đi ngược với truyền thống đạo lý đang diễn ra ngày càng nhiều trong đó danh lợi vẫn là yếu tố căn bản tạo ra biết bao tiêu cực trong tín ngưỡng. Hiện tượng sai lệch, lầm lẫn và tiêu cực trong tín ngưỡng, không đúng và chưa đúng theo tinh thần Phật giáo có thể khởi xuất từ hai nguyên nhân chính sau:

Về Phương Diện Khách Quan:

Có thể nói, đạo Phật đã gắn bó với truyền thống văn hóa cũng như những sinh hoạt tín ngưỡng cổ truyền của người Việt Nam từ rất sớm. Những tín ngưỡng dân gian được Phật giáo dung nhiếp, cảm hoá trong quá trình du nhập. Để có thể dễ dàng trong quá trình truyền bá, các nhà truyền giáo Phật giáo đầu tiên đã nghiên cứu những phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, nhu cầu tâm linh của họ để thổi vào một luồng tư tưởng mới, một đức tin mới mà không đánh mất những giá trị tâm linh truyền thống “bất khả xâm phạm” theo phương châm tùy duyên bất biến. Sự tùy duyên này cũng là nguyên do chính dẫn đến những nhận thức sai lệch trong tín ngưỡng Phật giáo. Quá trình pha trộn nào cũng phát sinh những hệ quả biến thái so với nhân tố ban đầu. Chẳng hạn, khi vào trong các ngôi chùa cổ xưa ta luôn thấy bên cạnh các vị Phật, Bồ Tát luôn luôn có các vị thần linh, đa phần là những vị phúc thần, công thần hay những vị thiện thần, thiên thần… cũng như những nghi thức tế lễ được tổ chức tại các chùa xưa. Hình thức dụng tâm theo tinh thần tùy duyên đó, xét về mặt tích cực đó là phương tiện để cảm hoá và dẫn dắt con người vào đạo nhưng cũng chính phương tiện đó tạo nên một nhận thức sai lầm giữa tín ngưỡng dân gian và nhân sinh quan Phật giáo. Do đó trong ý thức tín đồ ngày nay có thể nói một phần không ít họ đến với đạo chỉ vì mục đích cầu nguyện, cầu xin và họ xem đức Phật, các vị Bồ Tát như những vị thần linh để có thể ban phúc lành rước họa thay cho họ. Cũng như giới tu sĩ, cũng chỉ được nhìn nhận như thầy pháp, thầy toán số, thầy cúng v.v… có nhiệm vụ giải ma trừ quỷ, cầu đảo tai ương ban phép mầu bình an cho họ, mà không ý thức rằng đạo Phật chỉ chú trọng về tinh thần tự giác, trau giồi trí tuệ và thực nghiệm tự thân.

Vấn Đề Chủ Quan:

Như trên đã trình bày, việc xây dựng đức tin đối với tín đồ là vấn đề rất quan trọng trong đó vai trò của người lãnh đạo tín ngưỡng có thể quyết định nhận thức và tính chất tôn giáo trong tín ngưỡng tín đồ. Giáo điển đạo Phật thật thậm thâm vi diệu, pháp môn hành trì cũng đa dạng, do đó quá trình tiếp nhận và chọn pháp môn hành trì tùy thuộc vào trình độ, căn cơ, hoàn cảnh cá biệt của từng đối tượng. Hiện nay đã có những ý tưởng bài xích, phê phán hiềm khích của một số vị lãnh đạo tôn giáo, thuộc cá nhân hay đoàn thể giữa hệ phái này và hệ phái khác, giữa pháp môn này và pháp môn khác tạo nên sự chia rẽ đố kỵ trong đoàn thể tôn giáo. Tuy chưa tạo nên phong trào, khuynh hướng, nhưng sự bất đồng trong ý thức hệ tư tưởng của các vị lãnh đạo đã và đang tạo nên những hoang mang và nhận thức sai lệch trong hàng ngũ tín đồ. Chưa nói đến các thế lực khác luôn tìm kiếm kẽ hở và lợi dụng sự chia rẽ bất đồng này để phân cấp tạo nên sự đối kháng làm suy yếu trong nội bộ tôn giáo.
Điểm đặc trưng trong cơ chế quản lý của giáo hội Phật Giáo về các hoạt động tín ngưỡng cũng như sinh hoạt tu tập của tín đồ đều mang tính tự phát và tự giác theo quy cách chuyên biệt của từng chùa viện. Theo đó các Phật tử được hướng dẫn tu tập tại một tổ chức chùa viện nào đều ảnh hưởng nề nếp, quy cũ và phương pháp hành trì theo mô thức của chùa viện đó. Cho nên ý thức gợi mở hay khép kín trong nhận thức tín đồ về pháp môn hành trì, nhận thức tín ngưỡng, tác động phần lớn là do sự hướng dẫn của từng đơn vị chủ quản. Hoài bão của người xuất gia là tiếp tăng độ chúng, để tiếp dẫn hậu lai truyền giữ vận mệnh Phật Pháp. Do đó, những tiêu cực, mê lầm trong ý thức tín ngưỡng của tín đồ là một trách nhiệm lớn đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Ngày nay nền kinh tế quốc dân đang ngày càng phát triển, chính sách đối ngoại liên kết giữa các quốc gia đang được nới rộng, tự do dân chủ tín ngưỡng theo đó cũng được tôn trọng và khích lệ thì sự khởi sắc trong các hoạt động tín ngưỡng cũng là một quy luật tất yếu. Song song với việc truyền bá chánh pháp bằng các sinh hoạt thực tiễn, những đóng góp của Phật Giáo cho xã hội trên các phương diện giáo dục, tư tưởng, kinh tế, phúc lợi xã hội v.v… là những thành tựu đáng được trân trọng. Hiện nay tại một số cơ sở tự viện có tổ chức chương trình giảng dạy giáo lý cho Phật tử, mở rộng các hoạt động tu tập ứng nghiệm như: tu niệm Phật, các khóa thiền tập, tu Phật thất, thọ bát quan trai, v.v… rất thành công, thu hút rất nhiều các tín đồ tham dự. Đó là dấu hiệu đáng mừng trong hoạt động tín ngưỡng, rất đáng được khích lệ và cổ vũ. Thế nhưng, cũng có một số vị lãnh đạo thuộc các tự viện tỏ ra bất bình lên án và thậm chí tìm cách ngăn cản sự tiến tu, tâm hướng thiện của các Phật tử. Đó là một hiện trạng rất đáng buồn, một quan kiến hết sức bảo thủ và vị kỷ, đi ngược với truyền thống, bản chất đích thực của Phật giáo. Cũng chính vì lẽ đó mà Phật giáo luôn bị trì trệ, tiệm tiến không phát huy được tính ưu việt, sự vượt trội so với các tôn giáo khác.

Nhân đây cũng xin được nói thêm rằng hiện nay Phật giáo đã và đang phát triển mạnh trong lòng xã hội các nước phương Tây, những quốc gia đáng tự hào là những cường quốc trong lĩnh vực khoa học hiện đại như Mỹ, Pháp, Đức, Anh v.v… Các nhà khoa học, các đại gia tư tưởng và mọi tầng lớp nhân dân tiến bộ điều đang nghiên cứu, học hỏi và thực nghiệm giáo lý đạo Phật. Họ cảm thấy ngỡ ngàng kinh ngạc trước những chân lý, những giá trị xác thực của một hệ thống giáo điển được tuyên thuyết cách nay hơn 25 thế kỷ vẫn luôn khế hợp và đứng vững trước những khám phá và phát hiện của nền khoa học hiện đại. Họ như đang trực diện trước một vầng hào quang tỏa sáng, một hệ thống tư tưởng luôn đi trước thời đại mà từ lâu họ không có được cơ duyên đón nhận để phải thốt lên rằng: “Điểm kết thúc của khoa học chỉ là sự khởi đầu của Phật giáo” (The end of science is the beginning of buddhism). Những gì đã và đang xảy ra trên toàn thế giới đối với Phật giáo cũng là điều mà chúng ta đáng phải suy gẫm về tình hình Phật giáo nước nhà.

Để kết thúc bài viết tác giả xin trích dẫn một nhận định rất nổi tiếng và rất chuẩn xác của nhà bác học lừng danh Albert Einstein đối với đạo Phật: “Tôn giáo trong tương lai sẽ là một tôn giáo của vũ trụ, nó phải siêu việt lên trên một thượng đế cá nhân, tránh giáo điều và thần học, bao quát cả hai mặt tự nhiên và tâm linh. Nó phải dựa trên một ý thức tôn giáo nảy sinh từ sự thực nghiệm của mọi sự vật, tự nhiên và tâm linh được quan niệm như một thể thống nhất có ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng được một mô tả như vậy”. (…Buddhism answers this description. If there is an religion that would cope with modern scientisfic needs, it would be Buddhism). 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *