Như chúng ta biết, vùng văn hóa là một vùng lãnh thổ có những tương đồng về hoàn cảnh địa lý tự nhiên, môi trường sinh thái; là vùng đất có quá trình lịch sử lâu dài, có những cộng đồng cư dân sinh sống lâu đời. Những cư dân này cho thấy có sự tương đồng về trình độ kinh tế – văn hóa – xã hội và giữa họ diễn ra sự giao lưu tiếp biến văn hóa lẫn nhau, tạo nên một sắc thái đặc trưng chung cho vùng mà qua đó có thể phân biệt được vùng văn hóa này với vùng văn hóa khác. Theo lý thuyết này thì Nam bộ Việt Nam có đầy đủ tính chất để khẳng định là một vùng văn hóa và hiển nhiên nó có bản sắc riêng đủ để khẳng định mình. Bản sắc riêng đó như là một tổng thể văn hóa được hình thành trong quá trình lịch sử giao lưu tiếp biến văn hóa lâu đời của toàn bộ các cư dân sinh sống trên vùng đất này. Ở đây, người viết chỉ tập trung khai thác một nét trong tổng thể ấy là tâm thức vừa chân tình, vừa hài hước trong tình yêu đôi lứa của thanh niên Nam bộ qua ca dao tục ngữ nhìn từ góc độ văn hóa.
Điểm qua vài dòng lịch sử, chúng ta thấy toàn bộ Việt Nam nói chung, vùng văn hóa Nam bộ nói riêng có ba lớp văn hóa chồng lên nhau: lớp văn hoá bản địa, lớp văn hoá giao lưu với Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực, lớp văn hoá giao lưu với phương Tây. Nhưng đặc điểm chính của Việt Nam là nhờ gốc văn hóa bản địa vững chắc nên đã không bị văn hóa ngoại lai đồng hóa, ngược lại người Việt còn biết tiếp biến và Việt hóa các luồng văn hóa du nhập ấy, làm giàu cho nền văn hóa dân tộc.
Riêng Nam bộ, chúng ta thấy là nơi hội đủ các tộc người Khmer, Việt, Chăm, Hoa… tất cả cùng sống chung, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, cùng tồn tại trong vùng đất nhiều trắc trở nhưng cũng lắm ưu đãi này. Điểm nổi bậc là họ không phân biệt giai cấp trong sinh hoạt xã hội, họ có đời sống sinh hoạt giao lưu văn hóa sôi nổi bằng tính cách chân thành thẳng thắng có pha chút đơn giản, dịu dàng, hài hước nhí nhảnh; và hình như chúng ta thấy biểu hiện rõ nhất là trong ca dao nói về tình yêu lứa đôi, tuổi thanh xuân, trai gái. Những điều nghe thấy, người viết cố gắng viết ra đây:
Cày sâu ngã mệt lên bờ
Mùng em có trống nghỉ nhờ một đêm.
Cô gái liền đáp lại bằng giọng hò Nam bộ ngọt ngào:
Hò hơ… nghe anh hay chữ, em muốn hỏi thử đôi lời,
Chứ thuở mới tạo thiên lập địa.. à ơ ơ.ơ.o.o.o hò hơ. ơ ơ.ơ chứ thuở mới tạo thiên lập địa… ông trời..ai..sanh?
Hò hơ.o.ơ ơ.ơ nghe em hỏi mắc anh trả lời phắc cho rồi.
Chứ thuở mới tạo thiên lập địa… à ơ ơ.ơ.o.o.o hò hơ. ơ ơ.ơ chứ thuở mới tạo thiên lập địa… hai đứa mình chưa sanh.
Những cư dân Đàng Ngoài từ chỗ có làng xã, sinh hoạt lề lối nhiều đời đến nơi ở mới, tứ cố vô thân lại thêm phong thổ khắc nghiệt: “Cà Mau đi dễ khó về, trai đi có vợ, gái về có con”; đã làm cho họ trở nên bản lĩnh và đặc biệt là rất hiếu khách. Khúc dạo đầu nghe thật mùi mẫn, nhưng sau đó ai vào cuộc thì phải qua bao con nước lên xuống chập chùng của sự thi thố thể hiện bản chất hào hoa.
Gái Tầm Vu một xu ba đứa
Trai Thủ Thừa cỡi ngựa sang mua.
Tuy nhiên, đâu phải trai làng nào cũng sáng giá, mà các cô thôn nữ cũng là ngọc quí, cành vàng. Nếu các chàng muốn lọt vào mắt xanh thì phải thể hiện bản lĩnh:
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng.
Lọt vào mắt xanh, nhưng chưa có nghĩa là đồng ý ngay đâu, mà cô gái Nam bộ cũng cần có sự dịu dàng thục nữ nữa chứ; cho nên khiến chàng trai sốt ruột:
Con ếch ngồi dựa gốc bưng
Nó kêu cái “quệt”, biểu ưng cho rồi.
Tính tình chàng ta thật là ngay thẳng đến bật cười, nhưng như thế thì còn gì là cánh bướm tình yêu nữa. Trong sự chán nản nhất thời, chàng trai bèn thốt lên:
Nếu mà không lấy được em
Anh về đóng cửa cài rèm đi tu.
Đến đây xem chừng chàng trai không kiên nhẫn được nữa rồi, nên cố gái hé mở cửa lòng đáp lại:
Tu đâu cho em theo cùng
May ra thành Phật thờ chung một chùa.
Ta thấy hình ảnh ngôi chùa đi vào tình cảm dân gian như là bóng mát cuối cùng che chở cho những tâm hồn neo đơn, hụt hẫng. Quả thật, cửa chùa luôn rộng mở đón nhận bất luận đó là đối tượng nào.
Hé mở nhưng chưa có nghĩa là đồng ý đâu đó, nên anh chàng càng sốt ruột hơn, nhưng sốt ruột chứ biết làm gì đây, chàng ta thầm giận cho ông Tơ bà Nguyệt, nên bèn:
Quất ông tơ cái trót
Ổng nhảy tót lên cành cây bần
Biểu ông se mối chỉ năm bảy lần, ổng không se.
Cô gái dịu dàng đành xoa nhẹ sự căng thẳng bằng sự chuyển hướng, cô mới tiến thêm một bước nữa là tìm hiểu về thân thế chàng ta:
Anh ơi đã có vợ chưa?
Mà anh ăn nói gió mưa ngọt ngào.
Mẹ già anh ở nơi nao?
Để em tìm vào hầu hạ thay anh.
Thật là duyên dáng, anh chàng không còn vội vàng đóng cửa lòng nữa mà ngược lại bị cuốn theo dòng chảy của sự dịu dàng. Thật là sức mạnh của ái tình dễ dàng chôn chặt chúng sinh trong nẻo luân hồi sanh tử. Nên anh vòng vo khen cô gái dễ thương:
Trời xanh bông trắng nhụy huỳnh
Đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình dễ thương.
Tuy vội vàng là thế, hài hước là thế, nhưng chàng ta cũng thật là người biết khen. Anh chàng nói về bầu trời cao xanh, nói về bông trắng nhụy vàng, rồi lại đội ơn dòng họ, nhưng điểm chính là khen cô gái bằng cụm từ gần gũi hơn: “mình dễ thương”. Làm trai mà được như vậy thì các cô dại gì không mở lối vườn hồng, cho nên đến buổi chia tay, cô gái nói:
Anh về để áo lại đây
Đêm khuya em đắp, kẻo em lạnh lùng.
Thế nhưng trai khôn phải biết chọn vợ chợ Đông. Chàng cũng làm ra vẻ như mình có giá:
Có lạnh lùng lấy mùng mà đắp
Trả áo anh về, đi học kẻo trưa.
Áo có trao hồi nào đâu mà đòi lại? Tuy làm ra vẻ như vậy, nhưng rồi sau buổi hò hẹn ấy, đêm về lòng chàng ta cứ tơ tưởng khôn nguôi:
Phòng loan trải chiếu rộng thình
Anh lăn qua đụng cái gối, tưởng bạn mình em ơi.
Vì nhớ quá, anh bèn vượt con nước đến gặp em nhưng nỗi nhớ đâu bằng nước lớn của xứ sở đầm lầy nước đọng, nên anh lại không thể thực hiện được nguyện ước ba sinh của mình:
Gá duyên chẳng đặng hội này
Tôi chèo ghe ra sông cái, nước lớn đầy tôi chèo vô.
Thật là dễ thương cho anh chàng chân tình mà thực tế, chèo thuyền đi gặp em mà gặp con nước lớn nên đành thối lui. Tuy anh thối lui nhưng cô gái Nam bộ đâu thể trách anh được bởi ở đây là nơi: “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”. Nhưng đêm sau, bằng con đường khác anh nhất định phải gặp nàng để bày tỏ nỗi nhớ niềm thương:
Thương em nên mới đi đêm
Té xuống bờ ruộng đất mềm không đau
May đất mềm nên mới hổng đau
Phải mà đất cứng ắt xa nhau phen này.
Câu nói chân tình pha chút hài hước ấy làm cô gái giận dỗi, và để xoa dịu đi nên anh phải thề non hẹn biển:
Chẳng thà lăn xuống giếng cái chủm
Chết ngủm rồi đời
Sống chi đây chữ mồ côi
Loan xa phượng cách biết đứng ngồi với ai.
Một câu thề đâu đã đủ, anh chàng còn bày tỏ nỗi nhớ khi xa vắng:
Vắng cơm ba bữa còn no
Vắng em một bữa giở giò không lên.
Sau những lời bày tỏ tâm can, nhưng chàng ta đâu hẳn tin vào cô gái nên mới nói lời nghi ngờ:
Ai đem con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng sáo bay.
Và cô gái đã đáp lại thật chân tình đầy tính nữ nhi:
Phải chăng cắt ruột đừng đau
Để em cắt ruột em trao anh mang về.
Đến đây chúng ta thấy tình yêu đôi trai gái như đà nảy nở sắc son, và ấy cũng là điểm dừng của người viết.
Vài dòng như thế có lẽ giúp người đọc thấy rằng: Vùng đất Nam bộ, nơi giao lưu văn hóa, nơi các tộc người gặp gỡ, yếu tố “đất và người” đã tạo nên tính cách hiếu khách, chân tình, mau mắn, dịu dàng pha chút hài hước của cư dân Nam bộ.
Thật vậy Nam bộ, một môi trường sống xứ nóng, nhiều sông nước, nơi gặp gỡ của nhiều nền văn minh lớn; là nơi có khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa, sông nước; tiện lợi phát triển nông nghiệp trồng lúa nước… đã tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa vật chất và tinh thần. Và do nguồn gốc lịch sử, hoàn cảnh sống, sự tác động của môi trường thiên nhiên như thế nên đã hình thành tính cách người Nam bộ: hiếu khách, bộc trực, mạnh mẽ, hào phóng và đôn hậu,… Người Nam Bộ còn biết bao nét đẹp truyền thống đáng trân trọng như tính nghĩa khí hào hiệp, tấm lòng nhân hậu, bao dung, tư chất thông minh và giàu nghị lực mà ngày nay chúng ta nên nghiên cứu học hỏi, noi theo. Đặc biệt phụ nữ miền Nam rất đỗi vị tha, dịu dàng lại khéo tay, chiều chồng nhưng đáng quý nhất là sự hy sinh cho chồng con, cho quê hương, đất nước. Điều đó đã được minh chứng suốt quá trình hơn 300 năm lịch sử của Nam bộ.
Tuy nhiên, quá khứ và hiện tại tuy có tiếp nối nhau, nhưng ngày nay chúng ta thấy thực trạng của nó ra sao? Có lẽ nên trả lời rằng: xưa và nay như là hai thái cực của nuối tiếc và phũ phàng. Điều này tất có nhiều nguyên nhân, nhưng chính yếu vẫn là do ý thức hệ chính trị ma quái can thiệp, làm thay đổi tất cả theo một chiều hướng độc tôn bản ngã, kéo theo sự hình thành của biết bao hệ quả tiêu cực.