Kính mời dự lễ Khánh vía đức Bồ tát Quán Thế Âm 19/9 âm lịch và lễ lạy Ngũ bách danh tại chùa Phước Long, Bình Định

Tác giả: Phước Long

🍁THÔNG BÁO: LỄ NGŨ BÁCH DANH và KHÁNH VÍA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM🍁

Tại chùa Phước Long, Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.

Thời gian: Ngày 14 tháng 10 năm 2022 (nhằm ngày 19/9/Nhâm Dần), Phật lịch 2566.🙏

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là đức mẹ hiền luôn che chở và ban vui cho khắp chúng sinh trong thế gian. Nơi nào chúng sinh có lòng chí thành niệm danh hiệu ngài, nơi đó Bồ tát liền thị hiện cứu độ. 

Bốn chúng chùa Phước Long, Bình Định đồng thiết lễ cúng dường ngày Khánh vía đức Bồ Tát Quán Thế Âm và lễ lạy Ngũ bách danh, nguyện cầu Bồ đề tâm tăng trưởng, thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc.

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

CHƯƠNG TRÌNH LỄ KHÁNH VÍA:

🍀 Ngày 14 tháng 10 năm 2022 (nhằm ngày 19/9/Nhâm Dần), Phật lịch 2566.

– 07h00 am : Phật tử vân tập
– 07h30 am : Khai mạc khóa tu – khai kinh bạch Phật
– 08h00 am : Thời khoá 01:
     + Trì 7 biến chú Đại Bi – Lạy 150 danh hiệu Đức Quán Thế Âm và niệm Phật
– 09h30 am : Thời khoá 02:
     + Trì 7 biến chú Đại Bi – Lạy 150 danh hiệu Đức Quán Thế Âm và niệm Phật
– 10h45 am : Thọ trai
– 12h00 am : Chỉ tịnh
– 01h45 pm : Báo thức
– 02h00 pm : Thời khoá 03:
     + Trì 7 biến chú Đại Bi – Lạy 200 danh hiệu Đức Quán Thế Âm và niệm Phật
– 03h30 pm : Pháp thoại:

+ Đề tài: HẠNH NGUYỆN ĐỨC QUÁN ÂM
+ Thuyết giảng: Đại đức Thích Nhựt Lâm

– 04h30 pm : Hoàn mãn.

– Bổn tự kính thỉnh chư tôn thiền đức Tăng Ni chứng minh,
– Kính mời quý Phật tử, đạo hữu gần xa về chùa tham dự.

Kính chúc quý vị vô lượng an lạc.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Tát.

🙏Bổn tự kính mời🙏

Chùa Phước Long, Tây Sơn, Bình Định, ảnh Nhựt Lâm

🍀 Lời Đức Phật dạy:

Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Có bốn loại trái này. Những gì là bốn?

1- Có trái sống mà tựa chín,
2- Có trái chín mà tựa sống,
3- Có trái chín mà tựa chín,
4- Có trái sống mà tựa sống.

Đó là, này Tỳ-kheo thế gian có bốn loại trái này. Cũng lại như vậy, thế gian có bốn hạng người này.

1- Có người sống mà giống chín,
2- Có người chín mà giống sống,
3- Có người chín mà giống chín,
4- Có người sống mà giống sống.

👉 Thế nào là người sống mà giống chín?

Có người qua lại, đi bước không hành thô tháo. Mắt nhìn ngó phải thuận theo pháp giáo. Đắp y, mang bát cũng lại theo pháp. Bước đi, nhìn xuống đất, không liếc nhìn hai bên. Nhưng lại phạm giới, không theo chánh hạnh; thật chẳng phải sa-môn mà giống sa-nôm; không hành phạm hạnh mà tự nói hành phạm hạnh; bại hoại Chánh pháp; là loại mà rễ đã mục. Người này gọi là sống mà giống chín.

👉 Thế nào là người chín mà giống sống?

Tỳ-kheo tánh hạnh có vẻ quê mùa, nhìn ngó không ngay, cũng không đi đúng theo pháp, hay liếc ngó hai bên. Nhưng lại tinh tấn nghe nhiều, tu hành pháp thiện, thường giữ giới luật, không mất oai nghi, thấy điều phi pháp tí ti liền ôm lòng sợ hãi. Người này gọi là chín mà giống sống.

👉 Thế nào là người sống mà giống sống?

Tỳ-kheo không giữ giới cấm, không biết lễ tiết bước đi, cũng lại không biết ra vào đi lại, cũng lại không biết đắp y, mang bát, các căn thác loạn, tâm đắm trước sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Người ấy phạm giới cấm, không hành Chánh pháp, không là sa-môn mà giống sa-môn, không hành phạm hạnh mà giống phạm hạnh; là người mà rễ đã mục không thể cứu chữa. Người này gọi là sống mà giống sống.

👉 Thế nào là người chín mà giống chín?

Tỳ-kheo giữ gìn giới cấm, ra vào, đi bước, không mất thời tiết, nhìn ngó không mất oai nghi, lại rất tinh tấn tu hành pháp thiện, mọi oai nghi lễ tiết đều thành tựu, thấy điều phi pháp tí ti liền ôm lòng sợ hãi huống chi là to lớn. Người này gọi là chín mà giống chín.

Này Tỳ-kheo, đó gọi là thế gian có (bốn) hạng người như bốn loại trái này. Hãy học người quả chín. Này các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.

(Kinh Tăng Nhất A Hàm, bốn pháp, phẩm tứ diệu đế, kinh số 7).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *